Thủ tướng: Quan tâm, ưu tiên đặc biệt để sản xuất vắc xin Covid-19 nhanh nhất, sớm nhất

GD&TĐ - Đó là một trong những nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chiều 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 trong nước. 

Cùng dự cuộc họp tại đầu cầu TPHCM có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Dự cuộc họp tại đầu cầu Chính phủ có GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Cùng dự cuộc họp có đại diện Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học; đại diện các đơn vị, cơ sở đang tiến hành chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Không cầu toàn, nóng vội, có quy trình, thủ tục phù hợp

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. 

Tại cuộc họp, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, làm rõ tiến độ, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc xin trong nước thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, đến nay, cả nước có 2 ứng viên vắc xin phòng Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế. Trong đó, vắc xin Nanocovax đã hoàn thành tiêm mũi 1 của giai đoạn 3 cho 13.007 người tình nguyện, hoàn thành tiêm mũi 2 cho 977 người tình nguyện. Dự kiến ngày 15/8/2021, sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3.

Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin từ nước ngoài, hiện có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ từ các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Hiện, các đơn vị, doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi, từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với tổng công suất từ 200-300 triệu liều vắc xin/năm.

Nhiều nội dung kiến nghị đã được nêu ra và giải đáp tại cuộc họp, liên quan tới quy trình, thủ tục cấp phép, kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm… Các đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan cấp phép khẩn cấp phục vụ phòng chống đại dịch, nhấn mạnh có thể cắt giảm, rút gọn quy trình hành chính nhưng bảo đảm yêu cầu về chuyên môn....

Cũng tại cuộc họp, các bộ ngành, đơn vị đã báo cáo về chương trình nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030, nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19…

Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ phòng chống Covid-19, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học rất sâu sắc. Theo đó, phải chủ động phòng dịch, luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thứ hai, phải có vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Thứ ba, yếu tố hết sức quan trọng là ý thức của người dân chấp hành các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch nói riêng và trong các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nói chung.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã triển khai tích cực chiến lược vắc xin, bao gồm nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vắc xin để có nguồn vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước; tiến hành chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho toàn dân.

Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược vắc xin, theo tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường để không phụ thuộc mãi vào nguồn cung bên ngoài.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Thủ tướng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều cuộc làm việc, khảo sát, động viên các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, tiến tới sản xuất vắc xin trong nước.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp nhằm một lần nữa đánh giá khả năng sản xuất vắc xin trong nước, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tinh thần là không cầu toàn, nóng vội, có quy trình, thủ tục phù hợp.

Thủ tướng gợi ý vấn đề để cùng thảo luận: Chính phủ phải làm gì, các bộ, ngành phải làm gì để có được vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hiệu, quả, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ ngành thì dự báo bao giờ có thể có được vắc xin?

Bảo đảm các nguyên tắc và quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, cơ quan liên quan cần quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả 2 văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về nội dung này, cùng các kết luận, chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất bằng được vacicne trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm các nguyên tắc và quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý.

Thứ hai, các ý kiến tại cuộc họp cho thấy còn có những vướng mắc về pháp lý. Chủ tịch Quốc hội, các uỷ ban của Quốc hội đã ủng hộ việc đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết trong đó có nội dung liên quan tới vấn đề này. Bộ Tư pháp và Bộ Y tế đã và đang tiến hành các công việc liên quan, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan này cần khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục cần thiết để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất vắc xin trong nước. Thủ tướng nhắc lại tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thứ ba, Bộ Y tế ban hành ngay các quy định, hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ việc sản xuất vắc xin trong nước, trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của pháp luật, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham khảo quy định của các nước.

Thứ tư, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ tối đa cho các nhà sản xuất đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý. “Không thể khoán trắng cho các nhà sản xuất”, Thủ tướng yêu cầu.

Thứ năm, Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện để được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, công bằng, minh bạch.  

Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của WHO trong việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19. “Dành ưu tiên đặc biệt cho việc này”, Thủ tướng nhắc lại.  

Thứ bảy, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các đầu mối chuyển giao công nghệ vắc xin, xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, bảo đảm bình đẳng, minh bạch.

Thứ tám, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ nhanh, thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm bài bản, đúng quy định.

Thứ chín, Thủ tướng yêu cầu, trong điều kiện hiện nay, trước sự cấp bách, tính khẩn trương của các vấn đề thực tiễn, sự mong mỏi của người dân và yêu cầu phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các bộ ngành khi triển khai các nhiệm vụ trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát và cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng. “Dứt khoát phải đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc, đặt cái chung lên trên hết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ mười, Bộ Y tế triển khai ngay các hướng dẫn, quy định về mặt chuyên môn để kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y trong điều trị Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ