Sai phạm tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ: Đề nghị thu hồi 355 tỉ đồng

GD&TĐ - Hàng loạt sai phạm tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ (TPHCM) vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ. Trong các sai phạm của chủ đầu tư như chi sai, quyết toán sai giá trị, điều chỉnh hợp đồng không đúng nguyên tắc, thì việc chỉ định thầu có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Cầu Phú Mỹ nối Quận 2 sang Quận 7 tại TPHCM.
Cầu Phú Mỹ nối Quận 2 sang Quận 7 tại TPHCM.

Chỉ định nhà đầu tư yếu năng lực

Dự án đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ gồm 3 dự án thành phần: Xây dựng nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, công trình đường trên cao nối từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ và đoạn đường vành đai phía Đông từ chân cầu Phú Mỹ đến Tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống). 

Dự án chính thức được khởi công từ năm 2008, đến năm 2014 thì hoàn thành, có tổng mức đầu tư thực hiện là 1.275 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau 3 năm hoàn thành, dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ mới duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ, việc chuyển hình thức đầu tư từ sử dụng ngân sách Nhà nước sang hình thức đối tác công tư (BT) chưa được UBND TPHCM gửi Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến.

Đáng chú ý, UBND TPHCM không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mà chỉ định Công ty BOT cầu Phú Mỹ (sau đổi thành Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ) làm nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại không lập hồ sơ đề xuất gửi UBND TPHCM, không có văn bản xác minh năng lực tài chính.

Điều đáng chú ý, dù được UBND TPHCM chỉ định nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ lại hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi hình thức thanh toán, không thực hiện đúng cam kết về việc hoàn thành 5,5 km còn lại của tiểu dự án đường vành đai phía Đông sau khi được thanh toán 450 tỉ đồng và hoàn thành công trình sau 4 tháng kể từ khi nhận được số tiền thanh toán 179 tỉ đồng. 

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, dự án được triển khai nhưng không lập, phê duyệt theo Nghị định về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (Nghị định năm 2007 của Chính phủ), thiếu nội dung thuyết minh về hiệu quả đầu tư, không thẩm định dự án. Trong đó, giá trị tổng mức điều chỉnh tăng 226,9 tỉ đồng chưa đúng. Việc áp dụng giá vật liệu, nhân công chưa đúng thời điểm lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.

Việc chỉ định Công ty TNHH Xây dựng How Yu – Việt Nam làm nhà thầu xây dựng cũng sai khi chưa đủ điều kiện pháp lý thực hiện; tổ chức thi công không đúng thiết kế nên để xảy ra sự cố và hư hỏng một số hạng mục khi kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đặc biệt, tiến độ dự án kéo dài 55 tháng nhưng UBND TPHCM chưa xác nhận trách nhiệm của nhà đầu tư khi chậm tiến độ. Thời gian quyết toán dự án bị kéo dài 4 năm kể từ khi hoàn thành, gây thất thu lớn. 

Chỉ đạo thu hồi hơn 355 tỉ đồng

Ngày 6/3/2008, UBND TPHCM và Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ ký Hợp đồng dự án đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ. Lần lượt vào tháng 12/2010, tháng 2/2012 và tháng 3/2013 diễn ra việc ký 3 Phụ lục hợp đồng sửa đổi, bổ sung một số điều của hợp đồng nói trên.

Vào tháng 6/2016, ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TPHCM) ký văn bản kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chi phí đầu tư của dự án BT đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ là 2.917 tỉ đồng (làm tròn); thay vì 1.275 tỉ đồng được UBND TPHCM phê duyệt trước đó.

Trên cơ sở đó, ngày 1/9/2016, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM (đã nghỉ hưu) ký văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT TPHCM về chi phí đầu tư hoàn thành dự án BT đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ là 2.917 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 16/7/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM (hiện là bị can liên quan đến một vụ án) ký quyết định duyệt quyết toán công trình đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, với giá trị quyết toán là 2.792 tỉ đồng (tăng 1.517 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư được duyệt ban đầu); trong đó, ngân sách TPHCM đã thanh toán cho chủ đầu tư là 2.779 tỉ đồng.

Quyết định do ông Tuyến ký giao Sở GTVT TPHCM có trách nhiệm ghi sổ sách quản lý tài sản 2.792 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngày 10/10/2018, ông Bùi Xuân Cường - thay mặt UBND TPHCM - lại đưa số tiền 2.792 này vào “Phụ lục hợp đồng” điều chỉnh, bổ sung một số điều, như là một phần không thể tách rời của “Hợp đồng BT”. Như vậy, từ con số 1.275 tỉ đồng tổng mức đầu tư ban đầu đến cuối cùng thì giá trị được phê duyệt đã “nhảy múa” lên 2.972 tỉ đồng.

Về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, Quyết định phê duyệt quyết toán của UBND TPHCM còn nhiều sai sót. Qua kiểm toán phải giảm trừ 368 tỉ đồng; trong đó giảm quyết toán chi phí trong tổng mức đầu tư gần 122 tỉ đồng, giảm quyết toán chi phí khác thuộc Hợp đồng BT là 246 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND TPHCM phê duyệt quyết toán dự án còn có một số nội dung chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với các quy định của Hợp đồng BT với giá trị 646,5 tỉ đồng, chưa xem xét điều chỉnh chi phí lãi vay, chi phí lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng tương ứng với thuế GTGT nhà đầu tư đã được hoàn, khấu trừ khi quyết toán…

Với hàng loạt sai phạm trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành và chủ đầu tư xử lý tài chính khoản tiền gần 588 tỉ đồng gồm: Thu hồi nộp ngân sách 355,5 tỉ đồng, giảm thanh toán gần 90 tỉ đồng, điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng 90,7 tỉ đồng và giảm thuế GTGT được khấu trừ 51,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, TPHCM rà soát, quyết toán lại các chi phí đầu tư mà kiểm toán xác định chưa đủ căn cứ, cơ sở để quyết toán với giá trị khoảng 646 tỉ đồng liên quan đến chi phí bù giá nhân công, máy thi công, lãi vay và lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng, lợi nhuận nhà đầu tư... đồng thời kiểm tra, xác định lại số thuế GTGT mà nhà đầu tư đã được hoàn để tính toán giảm trừ quyết toán đối với chi phí lãi vay, chi phí bảo toàn vốn, lãi trả chậm tương ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.