Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kỳ họp thứ 7 thành công trên nhiều phương diện

GD&TĐ - Sáng 16/7, tiếp tục Phiên họp thứ 35, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp ngày 16/7
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp ngày 16/7

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với các báo cáo trên và cho rằng, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã thành công trên nhiều phương diện. Mặc dù, kỳ họp diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã hoàn thành các nội dung trong chương trình đề ra, đáp ứng yêu cầu đặt ra về chất lượng và được cử tri, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Thành công trên nhiều phương diện

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7. Sau 20 ngày làm việc, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

ĐBQH đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm.

Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm nhưng số lượng ĐBQH đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế như: Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của ĐBQH. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm...

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét, Kỳ họp thứ 7 có nhiều cải tiến về mặt thời gian. Đây là kỳ họp ngắn nhất. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là các đạo biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, số lượng đại biểu vắng mặt quá đông.

Chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, ĐBQH vắng mặt quá nhiều. Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, có những đoàn vắng đến 13 đại biểu. Ngoài ra, bà Lê Thị Nga đánh giá kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, dẫu nhiều dự luật nóng còn quan điểm khác nhau giữa ĐBQH và Chính phủ. Có những luật khó nhưng đã có được tỷ lệ tán thành cao. Tuy vậy, chất lượng thảo luận tổ một số đoàn không cao. Vì vậy, không nên ghép quá nhiều nội dung vào thảo luận dẫn đến không sâu.

Đề nghị giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến Quốc hội làm việc 22 - 25 ngày. Họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10/2019 (do ngày 20/10 là ngày Chủ nhật) và bế mạc vào ngày 20/11/2019. Về công tác lập pháp (11,75 ngày), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật.

Các vấn đề KTXH, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (9,5 ngày), Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về KTXH, ngân sách Nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện giám sát chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc (nếu có)...

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về KTXH, ngân sách Nhà nước: Đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.

Cùng với đó, đề nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời, nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.

Ngoài ra, sẽ thực hiện cải tiến việc xin ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử theo hướng trên màn hình điện tử thể hiện đồng thời cả “phương án 1” và “phương án 2” để đại biểu bấm nút chọn một trong hai phương án (thay vì bấm nút chọn “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với từng phương án).

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 về các nội dung: Phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA; Nghị quyết về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 - 2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ