Nỗi lo in lậu sách giáo khoa giả

GD&TĐ - Hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm, trong đó có xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, đĩa CD giáo dục… do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản đã và đang là vấn đề nhức nhối. 

Sách giả được bày tại một hội thảo
Sách giả được bày tại một hội thảo

Tài liệu, sách giáo khoa cũng bị làm giả

Các số liệu thực tế cho thấy, các xuất bản phẩm (XBP) giáo dục của NXBGDVN bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn cũng như mức độ công khai. Theo thống kê của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước.

Sách giáo khoa bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, Át lát địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa, sách tiếng Anh... cũng bị phát tán trên mạng internet tràn lan, với đủ các định dạng, các phiên bản, nguồn gốc khác nhau.

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: XBP giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp các địa bàn, quận huyện ở các tỉnh, thành phố, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, bán cả ở các nhà trường.

XBP giáo dục giả, lậu ngoài những sai lệnh về chất lượng hình thức so với XBP thật, như giấy mỏng, xấu hơn, chất lượng in kém, dễ bị mờ, xộc xệch, dễ bị bong, dễ rách... còn bị những sai lệch hoặc bị thiếu về kiến thức, về thông tin, dữ liệu. Mã (thẻ cào) trên XBP giả không được quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu bổ trợ kiến thức online... Như vậy các sản phẩm giả đó đã gây tác hại nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.

Nói không với sách lậu

Nhiều sách tiếng Anh cũng bị làm giả
Nhiều sách tiếng Anh cũng bị làm giả 

Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXBGDVN đã chỉ ra: “Tình trạng in lậu và phát hành sách giả, sách in lậu vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng về cả phạm vi và quy mô, với nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.

Sách in lậu, sách giả hiện chưa được coi là hàng giả, khung hình phạt đối với in và đặc biệt là hành vi phát hành sách giả, sách in lậu chưa đủ sức răn đe. Nhiều vụ việc cụ thể bị phát hiện chưa có biện pháp ngăn chặn đủ mạnh, hoặc chưa được xử lí triệt để.

Để có chế tài mạnh hơn về những bất cập này, Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã nâng khung hình phạt đối với hành vi in lậu. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ khung hình phạt cho hành vi phát hành sách in lậu, sách giả nên phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.

Số tiền xử phạt tối đa vài chục triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỉ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu. Về phía NXBGDVN, chúng tôi đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất tại các cuộc hội thảo, cuộc họp với các cơ quan quản lí nhà nước xung quanh vấn đề này.”

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, bên cạnh đó, NXBGDVN đã và đang cùng phối hợp chặt chẽ với Cục Bản quyền tác giả, các NXB nước ngoài mà NXBGDVN có quan hệ hợp tác xuất bản, trao đổi bản quyền để cùng tiếp tục phối hợp, nỗ lực trong cuộc chiến chống xuất bản phẩm lậu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả và các NXB.

Hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu được NXBGDVN và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức trong tháng 6/2019 vừa qua là một trong những nỗ lực để các cơ quan quản lí, các NXB phân tích, đánh giá và cùng dư luận xã hội lên án, đấu tranh với vấn nạn này.

NXBGDVN đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng, báo đài để dư luận xã hội, bạn đọc nhận thức rõ tác hại và NÓI KHÔNG với sách in lậu để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Ngoài việc nỗ lực cung ứng đầy đủ, đồng bộ kịp thời SGK tới học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước, thì NXBGDVN đã tích cực phối hợp với Sở GD&ĐT các địa phương để khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ