Nguy cơ dịch bệnh lớn, Bình Dương sẽ được cấp 500.000 - 1 triệu liều vắc xin Covid-19

GD&TĐ - Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ngày 23/6.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế sẽ cấp khoảng 500.000 đến 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Bình Dương trong tháng 7/2021 để triển khai tiêm cho công nhân.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá, sau khi kiểm tra một số cơ sở cách ly, khu vực phong tỏa, khu nhà trọ công nhân sáng 23/6 cho thấy, nguy cơ lây nhiễm giữa khu công nghiệp và khu dân cư xen kẽ rất lớn.

Trong khi đó, một số điểm giãn cách thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg chưa nghiêm.

Tỉnh Bình Dương cần tăng cường công suất lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị, mới có thể đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh dịch diễn biến căng thẳng hơn.

Lãnh đạo Bộ Y tế trao tượng trưng 10.000 test PCR và 30.000 khẩu trang y tế cho tỉnh Bình Dương. Ảnh: binhduong.gov.vn.

Lãnh đạo Bộ Y tế trao tượng trưng 10.000 test PCR và 30.000 khẩu trang y tế cho tỉnh Bình Dương. Ảnh: binhduong.gov.vn.

Bình Dương tăng cường lực lượng lấy mẫu và công suất xét nghiệm; thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại khu vực cách ly y tế, phong tỏa với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền sơ sở, lực lượng công an, tổ dân phố…

Bên cạnh việc hỗ trợ 300.000 khẩu trang, 10.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT-PCR, điều 1 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 1.000-2.000 mẫu đơn Realtime RT-PCR, Bộ Y tế sẽ cấp khoảng 500.000 đến 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Bình Dương trong tháng 7/2021, để triển khai tiêm cho công nhân.

Quản lý chặt công nhân, tầm soát trọng điểm, xét nghiệm nhanh

Tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh ở Bình Dương rất lớn, không chỉ trong các khu công nghiệp mà còn ở các nhà máy, doanh nghiệp xen lẫn trong khu nhà trọ.

Với những ổ dịch đã được phát hiện, Bình Dương cần tập trung khoanh gọn, xét nghiệm nhanh, thu hẹp dần điểm phong tỏa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bình Dương cần tập trung khoanh gọn, xét nghiệm thật nhanh, thu hẹp dần điểm phong toả. Ảnh: binhduong.gov.vn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bình Dương cần tập trung khoanh gọn, xét nghiệm thật nhanh, thu hẹp dần điểm phong toả. Ảnh: binhduong.gov.vn.

Trong xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý Bình Dương cần chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất truy vết, dập dịch ngay những khu đã khoanh vùng, "không tiếc nguồn lực dập ngay lập tức để đỡ gây tốn kém sau này".

Mũi thứ hai tập trung lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng - những nơi tưởng chừng an toàn.

Đối với công tác phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án cho công nhân sản xuất gắn với chỗ ở, tuyến xe di chuyển.

Trong trường hợp có ca mắc ở phân xưởng, doanh nghiệp, chỉ cần khoanh gọn lại, không làm ảnh hưởng đến sản xuất chung. Đồng thời, các doanh nghiệp phải lập ngay danh sách công nhân, số điện thoại liên lạc; tổ chức khai báo y tế, sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động để tầm soát, phát hiện những người có triệu chứng mắc Covid-19…

Các doanh nghiệp phải quán triệt công nhân hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi xe đúng tuyến.

Về chuẩn bị chỗ cách ly tập trung, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải quản lý nghiêm, giãn mật độ để chống lây nhiễm chéo; cần chuẩn bị kỹ phương án cách ly F1 tại nhà, đảm bảo điều kiện an toàn dịch tễ.

Đối với các khu nhà trọ, Bình Dương áp dụng thiết chế cách ly tập trung tại chỗ hoặc giải phóng toàn bộ khu trọ, khẩn trương làm sạch; sau đó đưa công nhân không nhiễm bệnh quay trở lại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?