Miền Trung và Nam Bộ: “Oằn mình” bởi hạn hán và xâm nhập mặn

GD&TĐ - Khan hiếm mưa, hiện tượng El Nino kéo dài đến tháng 11 đã khiến cho các tỉnh miền Trung và Nam Bộ đã, đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã lý giải hiện tượng này như thế nào?

Hạn hán đang xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: IT
Hạn hán đang xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: IT

Lưu vực sông xuống mức thấp nhất

- Thưa ông, tình hình hạn hán đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung hiện nay như thế nào?

- Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian qua, người dân khu vực Trung Bộ đã đối mặt với tình trạng nắng nóng, thậm chí nắng nóng gay gắt, nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Bên cạnh đó, thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, khiến mực nước lưu vực các sông đã xuống thấp nhất lịch sử. Hồ chứa nước xuống dưới mực nước chết. Điều này khiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã, đang diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ, kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận.

Tuy nhiên, ở 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên diễn ra nặng nhất. Bởi xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại Quảng Trị, Đà Nẵng. Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay, khoảng 15 năm.

- Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã nhận định: Do ảnh hưởng của El Nino, nền nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa thiếu hụt nhiều. Số lượng cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam ít hơn năm ngoái. Lượng dòng chảy ở các sông thuộc Trung Bộ suy giảm, ở mức thiếu hụt nhiều. Do đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trở nên gay gắt hơn.

Lượng mưa từ tháng 1 - 6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 20 - 90%. Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ năm ngoái từ 35 - 60%. Đã vậy, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)... Theo số liệu quan trắc, sông Thu Bồn, Trà Khúc mực nước xuống mức thấp nhất.

Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 15 - 20m như hồ A Vương (Quảng Nam), hồ Đăk Drinh, hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hồ Cửa Đạt, Hủa Na (Thanh Hóa), Bản Vẽ (Nghệ An), Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), Ka Năk (Gia Lai). Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết như Trung Sơn (Thanh Hóa), Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam), Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom (Bình Định).

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
  • Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

El Nino kéo dài đến tháng 11/2019

- Xin ông cho biết, tình trạng hạn hán ở miền Trung sẽ diễn biến như thế nào?

- Dự báo của ngành cho biết, hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50 - 55%. Sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12/2019. Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình năm ngoái cùng thời kỳ khoảng 0,5 – 1 độ C. Từ nay đến tháng 8/2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

Tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong tháng 8 - 9/2019 phổ biến cao hơn trung bình cùng thời kỳ năm ngoái từ 10 - 30%; các tháng khác phổ biến thấp hơn trung bình cùng thời kỳ từ 10 - 25%. Lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với năm ngoái, phổ biến từ 40 - 65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.

Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019.

- Người dân Nam Bộ sẽ đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn và đỉnh lũ ở mức như thế nào?

- Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình năm ngoái từ 30 - 80% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35 - 45%. Mực nước tại các trạm trên thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp, từ 2,5 - 5,5m khi so với năm trước. Các trạm trung lưu thấp hơn từ 3 - 6,2m, hạ lưu thấp hơn từ 2,5 - 5,4m. Như vậy có thể nói, hiện dòng chảy trên sông Mê Kông đang ở mức rất cạn kiệt.

Trong tháng 8 - 9, tuy tổng lượng mưa khu vực thượng lưu ở mức cao hơn khoảng 10 - 20%, khu vực hạ lưu (nam Lào - Campuchia) xu hướng mưa nhiều hơn trong các tháng 8, 9 và bắt đầu thiếu hụt mưa từ tháng 10/2019. Từ tháng 10 - 12/2019, mưa giảm nhanh, lượng mưa sẽ thấp hơn trên các khu vực Lào - Campuchia. Từ tháng 8 - 10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn năm ngoái từ 10 - 30% và cao hơn năm 2015 từ 5 - 10%. Do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông nên đỉnh lũ năm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp (báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019.

Dự báo đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông thiếu hụt nhiều so với năm trước, đặc biệt sau tháng 9/2019, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy vùng trên sông cũng suy giảm nhanh.

Do đó, trong mùa khô năm 2019 - 2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ trong mùa khô năm 2019 - 2020, đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019 - 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ