Lời xin lỗi

GD&TĐ - Chiều 8/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng nghiệp về việc Văn phòng Bộ Công Thương điều xe công tới tận chân máy bay đón người nhà Bộ trưởng tối 4/1.  

Thư xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.	Ảnh: MOIT
Thư xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: MOIT

Trong thư viết: “Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này. Thông qua cơ quan báo chí, truyền thông, cho phép tôi và gia đình được gửi lời xin lỗi tới toàn thể quý vị hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019. Đặc biệt, tôi xin gửi lời xin lỗi đến nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương. Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương”.

Lời xin lỗi dù muộn màng, mà theo giải thích của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là vì ông đang phải điều trị tại bệnh viện, nhưng dẫu muộn còn hơn không! Suy cho cùng, tổ chức nào, con người nào mà chẳng có lúc lầm lỗi, có điều một lời xin lỗi cũng không phải là việc dễ làm. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, công chức các cấp xin lỗi và chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình cần phải trở thành điều bình thường trong ứng xử.

Phản hồi của Bộ trưởng Bộ Công Thương sau sự việc này cho thấy mạng xã hội đã, đang tạo ra một đường dẫn khác để người dân thực hiện vai trò giám sát và là một công cụ buộc quan chức phải thực hiện trách nhiệm giải trình. Rõ ràng không ai giám sát bộ máy để giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn sự giám sát của chính người dân. Và chắc chắn rồi đây mỗi vị lãnh đạo, mỗi cán bộ, công chức sẽ phải cẩn trọng hơn trong từng ứng xử công vụ.

Nhưng tất nhiên với những hạn chế của mình, giám sát qua mạng xã hội không thể là giải pháp dài hạn. Sau lời xin lỗi này, người ta sẽ phải nghĩ về sự cần thiết và cấp bách phải xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch - mà trước hết là từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức phải ý thức thật rõ ràng về việc công và việc tư; là đặt tiêu chí phục vụ người dân lên hàng đầu chứ không phải hành xử theo quan niệm “quan là phụ mẫu, là cha mẹ dân”; là không lạm quyền cả trong việc nhỏ nhất; là thực hiện trách nhiệm giải trình trước những quan tâm và ý kiến của người dân. Hy vọng đây là một trong những “bài học sâu sắc” của Bộ trưởng Bộ Công Thương sau sự việc này. Cũng hy vọng bài học này được ông truyền đạt đến cấp dưới, đồng thời thúc đẩy cả bộ máy công vụ cùng đổi mới và hướng đến sự chuyên nghiệp, minh bạch chứ không dừng lại ở một lời xin lỗi xoa dịu dư luận là xong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ