Không để cựu quan chức chiếm đoạt tài sản quốc gia

Không để cựu quan chức chiếm đoạt tài sản quốc gia

Nghỉ hưu nhưng chưa “nghỉ nhà” công vụ

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội). Thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2 - 3 lần nhưng vẫn chưa thể lấy lại nhà công vụ.

Danh sách 12 quan chức chưa trả nhà công vụ gồm ông Đ. V. C., nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông P.V.V., nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông TVL, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông N.V.N, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà N.T.TH.H, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà N.H.L, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông L.V.Đ, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bà B.T.TH, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Đ.Q.H, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông H. V. A, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông H.S.TH, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; ông Đ.N.D, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Theo Bộ Xây dựng, tại Quyết định 27 năm 2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên. Đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng. Có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2. Diện tích sử dụng từ 100 - 115m2. Trong trường hợp các cựu quan chức này ở cùng gia đình sẽ được cộng thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình.

Các cựu quan chức nêu trên cũng được Nhà nước trang bị nội thất các căn hộ công vụ gồm bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc. Định mức trang bị nội thất cho căn hộ công vụ loại 2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách khoảng 160 triệu đồng/căn, trường hợp trượt giá được điều chỉnh tăng định mức cho phù hợp.

Có mặt tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, đại diện Ban Quản trị tòa nhà cho biết, chung cư gồm 342 căn hộ. Trong đó, có 76 căn hộ công vụ tại tòa nhà thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) quản lý.

Đơn vị này giao cho Ban quản lý nhà sẽ phục vụ các dịch vụ (bảo vệ, lễ tân, vệ sinh…) cho 76 căn hộ công vụ. Việc chủ căn hộ công vụ nghỉ hưu hay chưa nghỉ hưu do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quản lý, sắp xếp bàn giao căn hộ…

Tội “tham nhũng nhà công vụ”

Không để cựu quan chức chiếm đoạt tài sản quốc gia ảnh 1
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, ông Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ bất bình trước việc “chây ì” không trả lại nhà công vụ sau khi nghỉ hưu của 12 cán bộ nêu trên với Báo GD&TĐ. Ông cho biết, thời điểm khi còn công tác ông đã nhiều lần nói vấn đề này trước nghị trường Quốc hội.

“Tôi có ý kiến với Quốc hội về việc cần phải chỉ đích danh đưa vào Bộ luật Hình sự tội “tham nhũng nhà công vụ”, biệt thự công. Bởi biệt thự công hay nhà công vụ là tài sản quốc gia. Các cựu quan chức trên cũng là tài sản quốc gia nhưng không thể để tài sản này chiếm đoạt tài sản khác…”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, qua thông tin báo chí, có 12 quan chức cả cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành… về hưu rồi nhưng chưa chịu trả nhà công vụ đó chính là sai phạm.

“Nhà công vụ được Nhà nước cấp là cấp để phục vụ nhiệm vụ công. Khi cán bộ được điều chuyển công tác về Hà Nội nhưng chưa có nhà thì được phân nhà công vụ làm hết nhiệm kỳ. Về hưu thì phải bàn giao lại cho Nhà nước. Tất cả các cán bộ công chức lãnh đạo đều làm như vậy. 12 vị quan chức cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng nêu trên phải bàn giao lại nhà công vụ ngay…”, ông Lê Như Tiến nói.

Nói về giải pháp, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Như Tiến đề nghị cơ quan thông tin phải nêu đích danh tên, chức vụ, đơn vị công tác. Đơn vị chủ quản của các cựu cán bộ đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác phải chịu trách nhiệm đôn đốc trả nhà công vụ cho Nhà nước…

“Nếu chưa trả nhà công vụ thì phải gửi công văn về địa phương nơi cư trú của cán bộ nghỉ hưu (nơi sinh hoạt đảng, hưu trí…). Nếu 3 lần thông báo chưa trả lại nhà công vụ có thể áp dụng biện pháp cắt lương hưu…”, ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Còn luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/1/2014, đã quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ. “Rõ ràng hành vi không trả lại nhà khi hết tiêu chuẩn (về hưu, miễn nhiệm, luân chuyển...) là hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà ở…”, luật sư Trương Anh Tú nói.

Theo luật sư Trương Anh Tú, nếu thực trạng “chiếm giữ hoặc sử dụng sai mục đích nhà công vụ” không được xử lý thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cán bộ quản lý với nhau, giữa cán bộ quản lý Trung ương và địa phương. Do vậy, giải quyết triệt để việc chiếm dụng “nhà công vụ” cũng là một mong muốn không chỉ của cán bộ, công chức, mà còn là nguyện vọng chính đáng của người dân.

“Đối với các trường hợp chiếm dụng nhà công vụ, chẳng hạn như không trực tiếp ở mà đem cho thuê kiếm lời thì có thể xử lý với tội danh tại Điều 142 BLHS quy định về Tội sử dụng trái phép tài sản...”, luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.