Hàng ngoại ồ ạt về nông thôn

GD&TĐ - Tại thị trường nông thôn, hàng Việt giờ đây không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với hàng giả, hàng nhái mà còn đang phải gồng mình chống đỡ với cả hàng ngoại đã và đang ồ ạt đổ bộ đến từng vùng quê. 

Tại các vùng nông thôn không khó để bắt gặp các cửa hàng chuyên bán hàng nhập ngoại
Tại các vùng nông thôn không khó để bắt gặp các cửa hàng chuyên bán hàng nhập ngoại

Trên thực tế, tại nhiều vùng nông thôn hiện nay, việc người tiêu dùng (NTD) chuộng hàng ngoại nhập Thái Lan, Hàn Quốc... không còn là hiện tượng xa lạ. Một số NTD cho biết, họ thậm chí còn đi tìm hàng ngoại để mua. Vì vậy, có cầu ắt có cung, các cửa hàng chuyên phân phối bán lẻ hàng ngoại đã theo đó mà mọc lên như “nấm sau mưa”.

Hàng ngoại thâm nhập mạnh mẽ

Đối với nhiều nhà sản xuất, khu vực nông thôn đã liên tục được nhắc đến như một nguồn tăng trưởng mới của họ. Và điều này một lần nữa được cho thấy rõ trong báo cáo mới đây của Nielsen (công ty chuyên nghiên cứu thị trường). Theo báo cáo này, tiêu dùng vùng nông thôn tăng mạnh trở lại đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng trên toàn quốc.

Theo đại diện của Nielsen, trong năm 2016, sự tăng trưởng ở khu vực nông thôn đã bị chững lại do điều kiện thời tiết không thuận lợi giữa các vùng ở miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, thị trường nông thôn dự kiến sẽ phục hồi trở lại mạnh mẽ với nhiều tiềm năng, hứa hẹn trong thời gian tới. Bởi nông thôn luôn là cơ sở tiêu dùng lớn nhất và NTD với mức thu nhập tăng lên sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Đại diện của Nielsen cho rằng, với tầm quan trọng của thị trường nông thôn, các nhà sản xuất nên nắm bắt cơ hội bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cập nhật về thị trường mới nổi này như: Nhu cầu của NTD và xu hướng thị trường...

Với nhiều tiềm năng rất lớn như vậy, nhưng bấy lâu nay, phân khúc nông thôn vẫn đang bị chi phối bởi hàng hóa kém chất lượng (hàng giả, hàng nhái), còn hiện nay, hàng ngoại nhập đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường béo bở này. Chị Nguyễn Thu Hương - chủ một cửa hàng tiêu dùng Thái Lan ở Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết, lúc đầu chị khá băn khoăn khi quyết định xem có nên mở một cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan hay không, nhưng đến giờ chị tin quyết định của mình là đúng đắn.

“Thời gian đầu, nhiều NTD ở nông thôn còn e dè mỗi khi vào cửa hàng để xem đồ vì lo ngại hàng Thái đắt. Nhưng sau một thời gian giới thiệu, cửa hàng của tôi đã thu hút được rất nhiều khách quen. Nhiều người trong số đó đã lựa chọn hàng Thái vì giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng hơn hàng Việt rất nhiều” - chị Hương cho biết.

Hàng Việt lép vế

Ngược lại, về góc độ thâm nhập thị trường nông thôn, hàng Việt bị đánh giá là lép vế. Bởi thực tế, rất ít doanh nghiệp (DN) tự tổ chức để đưa hàng hóa của mình phân phối về nông thôn mà vẫn chủ yếu tiếp cận thị trường này thông qua các hội chợ, phiên chợ Việt, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn... do các cơ quan quản lý tổ chức là chính.

Thậm chí, số DN tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng rất ít. Một trong những lý do là vì chi phí vận chuyển hàng hóa, phục vụ việc tổ chức bán hàng tại các phiên chợ Việt khá cao nhiều DN không có lãi nên họ không mấy mặn mà. Đồng thời, nhiều người Việt cũng không hào hứng với hàng Việt do giá cả đắt đỏ, rồi đến mẫu mã không mấy bắt mắt...

Phân tích về sự phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, những năm qua công tác phát triển thị trường nội địa được thực hiện khá tốt ở khu vực đô thị, nhưng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi tương lai, dân số khu vực này chiếm tỷ trọng lớn: Năm 2020 là 62,99%, năm 2030 là 55,82%. Điều này cho thấy việc khai thác tốt thị trường khu vực này sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho DN nói riêng và sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước nói chung.

Nói đến vấn đề đưa hàng Việt về vùng nông thôn, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho biết, chúng ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ xem những chỗ nào còn trống. Bán hàng không đơn giản chỉ đưa đến bán, mà còn phải tuyên truyền, tiếp thị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nhằm phục vụ tốt nhất cho bà con. Đặc biệt, cần nâng cấp các chợ nông thôn để tạo điều kiện cho người mua, người bán gặp nhau, từ đó tiêu thụ tốt hơn hàng hóa Việt. Làm được như vậy thì bức tranh hiện diện của hàng Việt sẽ không bị lép vế so với hàng ngoại, hàng giả, hàng nhái tại thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng này.

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số nông thôn Việt Nam theo mốc các năm 2020 và 2030 là 61,7 triệu người và 58,9 triệu người; mức dự báo GDP bình quân đầu người cả khu vực nông thôn tương ứng là 1.750 USD và 2.100 USD; quy mô nhu cầu hàng hóa công nghiệp ước tính cho khu vực nông thôn năm 2020 là 59,39 tỷ USD và năm 2030 là 68,02 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ