Hà Nội yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch cho kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Ngày 7/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác diễn tập phân luồng và xử lý tình huống phòng chống dịch Covid-19 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa).

Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi lớp 10 THPT tại quận Đống Đa
Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi lớp 10 THPT tại quận Đống Đa

Quận Đống Đa có tất cả 7 điểm thi tại các trường: THPT Lê Quý Đôn, THPT Kim Liên, THPT Đống Đa, THPT Quang Trung, THPT Phan Huy Chú, THCS Nguyễn Trường Tộ, THCS Thái Thịnh.

Theo báo cáo của Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ , đến nay, tất cả 7 điểm thi đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất và yêu cầu về công tác phòng, chống dịch. Đối với công tác chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 THPT, quận đã chỉ đạo các trường rà soát, phân loại, lập danh sách thí sinh đang trong diện F0, F1, F2 và các thi sinh đang trong khu cách ly, phong tỏa.

Tính đến chiều ngày 4/6, trong toàn quận Đống Đa không có học sinh trong diện F0; F1; F2 và có 1 học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt đang trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Đến ngày 4/6, tất cả 7 điểm thi trên địa bàn quận Đống Đa đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất và bảo đảm tốt các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trong mỗi phòng thi, các thí sinh đều được bố trí ngồi giãn cách
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trong mỗi phòng thi, các thí sinh đều được bố trí ngồi giãn cách

Tổng số phòng thi tại 7 điểm gồm: 160 phòng chính thức, 16 phòng dự phòng. Các phòng thi đều được trang bị đầy đủ quạt trần, quạt treo trường, đảm bảo thông thoáng; Bố trí chỗ ngồi cho các thí sinh đảm bảo giãn cách an toàn.

Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã nhận nhiệm vụ  tổ chức khử khuẩn tại tất cả các điểm tổ chức thi trước khi diễn ra kỳ thi một ngày và phun khử khuẩn sau mỗi buổi thi.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định Hà Nội vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. “Thành công đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà quan trọng nhất đến từ cơ sở. Chúng ta nằm lòng những nguyên tắc: “3 trước”, “3 lớp”, “4 tại chỗ”; Có bản lĩnh, không lơ là chủ quan, không mất bình tĩnh, thực hiện tốt công thức “48 giờ” vàng. Quyết liệt thực sự từ quận, huyện đến xã, phường...”

Chủ tịch UBND TP lưu ý các đơn vị tăng cường tuyên truyền đến từng phụ huynh như hướng dẫn bằng video hoặc thông báo hướng dẫn cụ thể tới các thí sinh từ việc vào luồng nào, đi vào phòng thi thế nào. Việc này không quá khó khăn và có thể làm được để đỡ bỡ ngỡ trong thực tế. Thi xong, thí sinh ra về thì phải cụ thể phòng nào ra trước, phòng nào ra sau; Luồng ra phải tách biệt với luồng vào.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu khi thí sinh vào ngồi ổn định trong phòng thi, khoảng cách so le giữa thí sinh ngồi bàn trên và bàn dưới phải được kiểm soát chặt chẽ bởi các giám thị. Việc cách ly các thí sinh có biểu hiện ho sốt phải rà soát cho hợp lý hơn. “Chúng ta không được xem nhẹ. Nhiệm vụ chính trị nào thành công cũng phải được chú ý từng chi tiết nhỏ, không được bỏ qua bất cứ việc gì”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh và phân tích: “Cần xem xét việc phân luồng thí sinh vào, ra, có thể  tăng thêm luồng để thí sinh ra vào. Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn đưa con đi sát giờ, đón về nhanh nhất nên thực tiễn sẽ rất dễ ùn ứ. Phụ huynh đưa thí sinh đến thì phải tăng cường lực lượng tình nguyện hướng dẫn ngay từ lúc đầu”.

Trường THPT Kim Liên với hơn 700 thí sinh, có thể dùng các hình thức mạng xã hội thăm dò ý kiến phụ huynh. Từ đó, điểm thi có phương án không để phụ huynh tập trung, đảm bảo giãn cách. Thử đặt mình vào vị trí các phụ huynh thì sẽ có các tình huống cụ thể. Chúng ta nên rà soát để có các phương án trọn vẹn, đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…