Hà Nội: Liệu hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng có mừng hụt trước cơ hội “xét đặc cách”?

GD&TĐ - Sau những tranh đấu quyền lợi, hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội chưa kịp vui mừng trước cơ hội được "xét đặc cách" đã phải "ngã ngửa" nhận tin buồn vì hầu hết họ không thể có "vé" lọt vào danh sách này trong kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục của Hà Nội thời gian tới.

Hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang hồi hộp chờ quyết định cuối cùng (Ảnh minh họa)
Hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang hồi hộp chờ quyết định cuối cùng (Ảnh minh họa)

Gian nan lộ trình công chức

Ngày 07/3/2019, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội năm 2019, trong đó quy định tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển 2 vòng thi:

Vòng 1: Thi trắc nghiệm thực hiện trên máy tính gồm các kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học; Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành .

Tuy nhiên quá trình triển khai kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2019 của UBND Thành phố Hà Nội đã vấp phải sự phản ứng của hàng trăm nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm với nghề, đã cống hiến cho ngành giáo dục từ 5 năm đến trên 25 năm, đang là giáo viên (GV) hợp đồng ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây…

Với mức lương hợp đồng ít ỏi, nhiều người trong số họ không được hưởng chế độ BHXH, không được ưu tiên mỗi kỳ thi, xét tuyển viên chức. Vì yêu nghề nên họ cam tâm chấp nhận những thiệt thòi so với GV “biên chế” mà không dám đòi hỏi gì hơn. Nay họ phải đối mặt với với việc sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 31/5/2019 theo các điều kiện xét tuyển viên chức của Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hàng trăm GV hợp đồng đã đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để cầu cứu, mong được lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội xem xét, có hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ và những bất cập liên quan đến ngành giáo dục của địa phương.

Nguyện vọng thực hiện hình thức ưu tiên xét tuyển, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học và kiến thức chung đối với những GV hợp đồng có thâm niên từ 5 năm công tác liên tục trong Ngành trở lên là có cơ sở.

 Ban chỉ đạo của Thành phố sẽ họp và đưa ra phương án tối ưu nhất, trên tinh thần đối với tất cả những GV đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, có thể chúng tôi sẽ đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển, đảm bảo ổn định cuộc sống của họ.

Đợt thi tuyển này phải đảm bảo mục tiêu giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để GV hợp đồng quá lâu. Thông qua đợt thi tuyển lần này, mục tiêu của chúng tôi là tạo sự ổn định đối với toàn bộ hệ thống GV của thành phố để họ yên tâm dạy học.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Phương án mà Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra được cho là "vừa thấu tình, vừa đạt lý"; một giải pháp hữu hiệu và hết sức nhân văn của Hà Nội đối với đội ngũ GV hợp đồng đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT Hà Nội.

Ngày 16/5/2019, UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 1040/SNV-BCĐ về việc xin ý kiến hình thức tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục của Thành phố Hà Nội năm 2019.

Theo đề xuất này, Hà Nội sẽ có 3 phương án thi, tuyển dụng viên chức giáo dục: Phương án thứ nhất: Thi tuyển 2 vòng; Phương án thứ 2: Xét đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức; Phương án thứ 3: Xét tuyển theo 2 vòng.

Theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngoài phương thức tuyển dụng qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì tuyển dụng viên chức còn được thực hiện thông qua tuyển dụng đặc biệt (được áp dụng đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo Đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng BHXH bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc theo đúng quy định của pháp luật).

Phần nội dung quy định tiêu chuẩn "đặc cách" tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP khiến nhiều giáo viên lo ngại
Phần nội dung quy định tiêu chuẩn "đặc cách" tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP khiến nhiều giáo viên lo ngại  

Mừng hụt với tấm vé qua cửa “đặc cách”?

Để đảm bảo thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của Thành phố Hà Nội năm 2019 đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế và đáp ứng nhiệm vụ chính trị, Bộ Nội vụ đề nghị tổ chức rà soát, thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, phương thức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của Hà Nội (thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển) thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố Hà Nội. Liệu đây có phải là một tin vui đối với hơn 2 nghìn GV hợp đồng của Hà Nội.

Ngày 28/6/2019, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 3455/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I phần B. Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND thành phố Hà Nội với những nội dung sau:

Giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.

Sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng GV bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo các quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Là người trong ngành, khi tiếp cận những nội dung hướng dẫn này, bà Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Quả bóng trách nhiệm đã được chuyền từ Bộ Nội vụ sang UBND Thành phố Hà Nội và tiếp tục được “chuyền” tới UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, việc lựa chọn tuyển dụng GV theo hình thức thi hay xét tuyển hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của UBND các quận, huyện, thị xã.

Liệu UBND các quận, huyện, thị xã có hướng đến mục tiêu "giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để GV hợp đồng quá lâu; tạo sự ổn định đối với toàn bộ hệ thống giáo viên của thành phố để họ yên tâm dạy học…" như lời hứa của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung?

Nhiều ý kiến lo ngại: Nếu để các quận, huyện "tự giải quyết" chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”, "Số phận" của những GV hợp đồng lại tùy thuộc vào quyết định của UBND các quận, huyện, thị xã...”.

Vậy là hơn 2 nghìn giáo viên hợp đồng chưa kịp vui mừng vì có cơ hội được "xét đặc cách" đã phải "ngã ngửa" nhận tin buồn vì dù có được xét đặc cách thì hầu hết họ cũng không thể có "vé" để lọt vào danh sách xét đặc cách trong kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục của Hà Nội sắp tới;

Bởi dù hợp đồng lâu năm nhưng không ít người trong số họ chỉ được kí hợp đồng 3 tháng và hưởng mức lương hơn 1,2 triệu đồng/tháng, không được đóng BHXH, BHYT.

Bộ phận GV yên tâm với tiêu chuẩn về thời gian đóng BHXH thì lại lo ngại về quy định bằng cấp và vị trí việc làm.

Sự tắc trách của cơ quan sử dụng lao động đã đẩy những giáo viên hợp đồng vào hoàn cảnh khốn khó, có nguy cơ mất việc. Vậy trách nhiệm của người ký hợp đồng lao động ở đâu?.

Mong lắm có thêm cơ hội thực sự mở đối với các GV hợp đồng – những người vốn đã thiệt thòi và luôn nỗ lực với phận “con nuôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ