Dịch Covid-19: Thực tiễn của Hải Dương là bài học quý cho các địa phương khác

GD&TĐ - Ngày 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp trực tuyến với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của tỉnh Hải Dương cũng như các lực lượng chi viện của Bộ Y tế trong thời gian qua cùng với cả nước đã làm tốt công tác phòng chống dịch.

Đến giờ phút này có thể nói về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Ngay cả Hải Dương, khi phân tích kỹ dữ liệu đến nay chỉ phát hiện 3 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng không nằm trong các khu vực phong tỏa hay khu cách ly tập trung và cả 3 ca này đều đã truy vết được.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống dịch tại Hải Dương.

Cụ thể, sau khi điểm đúng ổ dịch ở TP. Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra chiến lược phong tỏa trong phong tỏa và dần hoàn thiện. Quá trình xử lý tình huống dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, các nhà máy lớn có hàng nghìn công nhân phải cách ly ngay lập tức. “Để chuẩn bị đón 1 chuyến bay giải cứu vài trăm người phải mất thời gian mấy tuần trong khi ở Hải Dương trong vòng 24 giờ phải xử lý cách ly cho hàng nghìn người”, Phó Thủ tướng ví dụ.

Cùng với đó, các quy trình phân loại, sàng lọc đối tượng để tầm soát diện rộng cũng được xây dựng, hoàn thiện. Số liệu cho thấy ổ dịch TP. Chí Linh được cơ bản kiểm soát sau 8 ngày phát hiện. Sau đó đến ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng và bây giờ là huyện Kim Thành, Hải Dương đã có những giải pháp rất quyết liệt, linh hoạt và ngày một hoàn thiện.

Thực tiễn của Hải Dương cũng là bài học quý cho các địa phương khác trên cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thời gian tới, Hải Dương phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động để tránh lãng phí.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay chi phí xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm. 

"Tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm COVID-19 cho công nhân mới được hoạt động không chỉ gây tốn kém mà còn tạo tâm lý cứ nghi ngờ lại xét nghiệm, hoặc có kết quả âm tính rồi thì lại chủ quan. Rất nguy hiểm", Phó Thủ tướng lưu ý. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân ra cả nước.

Phó Thủ tướng lưu ý, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch thì vẫn phải sẵn sàng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, Việt Nam vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

"Không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất".

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương khuyến khích người dân không trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh, thậm chí cả những người sống cùng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.