Đến năm 2021, Hà Nội giảm ít nhất 10% biên chế xã, phường

GD&TĐ - Thực hiện theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021, giảm ít nhất 10% biên chế hành chính, sự nghiệp, công chức và người làm việc hưởng lương, phụ cấp ngân sách tại xã, phường, thị trấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Đó là thông tin được Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết tại Hội nghị Tổng kết phong trào Thi đua năm 2017; triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua hoàn thành suất sắc nhiệm vụ năm 2018 tổ chức sáng nay (11/12).

Ông Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017, Thành phố đã cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được Trung ương và dư luận đánh giá cao. Năm 2018, Sở đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát sắp xếp tinh gọn bộ máy nội tại của các sở, ngành theo các Nghị định của Chính phủ và tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghi Trung ương 6 khóa XII; thực hiện Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy.

Đồng thời, đề nghị các quận phối hợp Sở Nội vụ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. UBND các quận, huyện, thị xã rà soát tổ chức bộ máy hoạt động của các thôn, tổ dân phổ, số lượng biên chế cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố theo hướng thu gọn đầu mối;

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao, đề nghị tập trung chuyển sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chuyển sang công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, rà soát thủ tục hành chính để ứng dụng dịch vụ công mức độ 3, 4, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về biên chế, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị, theo đó thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10% biên chế hành chính, sự nghiệp, công chức và người làm việc hưởng lương, phụ cấp ngẳn sách tại xã phường, thị trấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, đối với biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị quyết Trung ương 6, đồng thời bảo đảm thực hiện được các mục tiêu giáo dục, y tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI đã đề ra, thực hiện giao biên chế đúng định mức quy định tại các Thông tư của Bộ, ngành, có tính đến khả năng tuyển sinh, chiều hướng phát triển trong thời gian tới.

Đồng thời tập trung chụyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế…

Đối với các Hội đặc thù, thực hiện lộ trình giảm dần biên chế viên chức khi có người nghỉ hưu, chuyển sang định suất lao động (Ngân sách nhà nước hỗ trợ).

“Do vậy, mặc dù biên chế đã giao tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND của UBND Thành phố, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục sử dụng hợp lý và có tính đến chủ trương tinh giảm biên chế hằng năm”, ông Trần Huy Sáng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh đề án vị trí việc làm phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, để Đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả; xây dựng Kế hoạch triền khai thực hiện Đề án vị trí việc làm đã được Thành phố phê duyệt; rà soát cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm để sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá,... nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đề nghị các cơ quan của Thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính và việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ