Đà Nẵng “cấm cửa” buýt Quảng Nam vào nội thành

GD&TĐ - TP Đà Nẵng đã phê duyệt phương án điều chỉnh hành trình chạy xe các tuyến buýt theo hướng không đi vào nội thành.

12 tuyến buýt nội thành TP Đà Nẵng, hoạt động theo phương thức trợ giá.
12 tuyến buýt nội thành TP Đà Nẵng, hoạt động theo phương thức trợ giá.

Đà Nẵng cấm vì chất lượng kém

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng cho biết, lộ trình của 5 tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng đã thay đổi. Khi xe buýt từ Quảng Nam chỉ được đưa khách đến các điểm ngoại thành Đà Nẵng, hệ thống xe buýt của TP sẽ nhận đưa vào nội thành.

Theo Sở GTVT Đà Nẵng, hiện thành phố đã phủ sóng 12 tuyến buýt nội thành, hoạt động theo phương thức trợ giá với hàng trăm phương tiện mới, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp. Với các tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng, đây là những xe chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật xe, chất lượng dịch vụ kém. Từ tháng 1/2017 đến nay, sở kiểm tra, xử lý hơn 260 trường hợp xe buýt liền kề vi phạm.

Các xe chạy tuyến này không được vệ sinh sạch sẽ, xả khói đen. Ghế ngồi hư hỏng, thủng nát. Thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu. Đón trả khách sai quy định. Lái - phụ xe hầu hết không mặc đồng phục, đeo thẻ tên. Thu tiền không xuất vé cho khách và thu cao hơn quy định.

Sở GTVT tiếp nhận, xử lý trên 350 phản ánh liên quan đến các tuyến xe này. Đó là các vấn đề như không chấp hành an toàn giao thông, quy định về hoạt động xe buýt, chất lượng dịch vụ kém. Nhiều lần phối hợp Sở GTVT Quảng Nam chấn chỉnh tình trạng này nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Phương án không cho xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng vào nội thành nhằm tránh xung đột giữa các tuyến, giúp vận tải buýt liên hoàn, đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng trong tương lai của Đà Nẵng.

Buýt Quảng Nam “kêu cứu”

Tuy nhiên, khi Đà Nẵng đưa ra chủ trương này, 8 đơn vị khai thác 5 tuyến xe buýt liền kề đã gửi đơn kêu cứu, xin giữ nguyên lộ trình các tuyến xe buýt. Đến ngày 8/10, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến hoạt động các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng và ngược lại.

Nội dung văn bản nêu rõ, những năm qua, địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng có 5 tuyến xe buýt liền kề chạy vào nội thành Đà Nẵng. Nó đã tạo được thói quen cho nhân dân đi lại bằng xe buýt, với lưu lượng bình quân gần 10.000 lượt khách/ngày.

Hoạt động của các tuyến buýt này cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân đến các cơ sở giáo dục, y tế, thương mại, sân bay, nhà ga, các khu dân cư tại Đà Nẵng. Cạnh đó, 5 tuyến xe buýt phục vụ đã giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông... Tuy nhiên, quá trình hoạt động còn một số tồn tại, hạn chế về chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu nên cần phải được cải thiện, nâng cao.

Trước sự điều chỉnh của Đà Nẵng, các tuyến buýt liền kề và người lao động đã gửi đơn thư kêu cứu đến tỉnh, Sở GTVT và các cấp Trung ương. Đơn đề nghị lãnh đạo 2 địa phương xem xét, cho phép các tuyến buýt liền kề được tiếp tục vào nội thành Đà Nẵng.

Đến ngày 24/9/2020, Sở GTVT Quảng Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô của 2 địa phương đã có buổi làm việc với Sở GTVT Đà Nẵng. Buổi làm việc đã đi đến văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh với nội dung: “Nhận thấy, do đặc thù vị trí địa lý, điều kiện sinh hoạt của nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng, việc giao thương, đi lại của bà con nhân dân hằng ngày rất đông đúc. Nếu dừng, đỗ xe buýt ở vùng ngoại vi, sau đó phải sang qua xe khác, trung chuyển vào nội thành Đà Nẵng gây nhiều bất tiện, tăng thêm thời gian và chi phí đi lại của người dân; nhất là đối với các đối tượng sinh viên, học sinh đi học ở các trường đại học, cao đẳng, người dân đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở thành phố…”.

UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, xem xét chỉ đạo Sở GTVT Đà Nẵng tạm dừng thực hiện việc điều chỉnh hành trình chạy xe các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố. Cho phép tạm thời hoạt động theo hành trình từ Quảng Nam vào Đà Nẵng đi theo ven nội đô thành phố, sau đó tập kết tại bến xe trung tâm thành phố cho đến hết quý I năm 2021.

Tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng không được chạy vào trung tâm thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/10/2020.
Tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng không được chạy vào trung tâm thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/10/2020.

Lời kêu cứu không được đáp lại

UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn phản hồi UBND tỉnh Quảng Nam về việc di dời các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố. Chủ trương điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng là phù hợp với Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đà Nẵng làm việc, thông báo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, các đơn vị liên quan từ năm 2016. Và đến ngày 1/9/2020, các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam chính thức điều chỉnh ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng.

“Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, Đà Nẵng đầu tư 12 tuyến xe buýt trợ giá nội thành và xây dựng các điểm đầu - cuối để kết nối các tuyến xe buýt liền kề tại các vị trí: Cao đẳng Việt Hàn, Bến xe phía Nam TP, Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang”, công văn nêu.

Công văn của UBND TP Đà Nẵng nêu rõ, các tuyến xe buýt liền kề đã tạo thói quen đi lại bằng xe buýt cho người dân, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động của các xe buýt liền kề trong thời gian qua gây nhiều phản ứng đối với người dân Đà Nẵng về chất lượng xe, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu và chất lượng dịch vụ. Cơ quan chức năng của đã nhiều lần nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực.

Di dời các tuyến xe buýt ra khỏi trung tâm thành phố là phù hợp với nguyện vọng của cử tri thành phố, được nhân dân đồng tình cao. UBND TP Đà Nẵng cũng bày tỏ mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của UBND tỉnh Quảng Nam về chủ trương này của TP Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…