Chuyện giờ mới kể về cố Thủ tướng Phan Văn Khải

GD&TĐ - Tin Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về với thế giới người Hiền khiến đồng bào cả nước xúc động, không cầm được nước mắt. Những câu chuyện, những kỷ niệm đẹp về cố Thủ tướng đã được những người thân cận với ông kể lại khiến mọi người trào dâng cảm xúc.

Bác Sáu Khải bình dị của bà con Tân Thông Hội. Ảnh: 24h.com.vn
Bác Sáu Khải bình dị của bà con Tân Thông Hội. Ảnh: 24h.com.vn

Chuyện về điếu thuốc 2.000 USD

Báo VnExpress có ghi lại hồi tưởng của ông Trần Đức Nguyên, trợ lý đặc biệt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Có lần được tặng một cây thuốc lá thơm để hút, ông Khải, lúc đó đang là Thủ tướng, đã tặng lại ông Nguyên. Khi mở món quà ấy ra, ông Nguyên phát hiện có 2.000 đôla (một số tiền rất lớn vào thời đó) được gói kỹ bên trong.

Ông Nguyên liền gửi lại ông Kiều Đình Thụ, khi ấy là thư ký riêng của ông Khải toàn bộ gói quà trên. Và sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cảnh báo người tặng quà một cách công khai. Làm lãnh đạo, dù ở cấp nào, việc nhận được quà từ các cá nhân, tổ chức là khó tránh, vấn đề là cách ứng xử với quà tặng.

Chẳng thế đến năm 2007, còn có hẳn một quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Cây thuốc lá thơm là một món quà nhỏ. Còn 2.000 USD lại là món quà lớn. Ông Khải đã nhận món quà nhỏ, nhưng với món quà to được giấu kỹ như thế, ông chối từ, thậm chí còn “cảnh báo”.

Ông Nguyên kể thêm: Trước đó, một doanh nghiệp vào dịp Tết có gửi phong bì mừng năm mới đến Thủ tướng, ông Khải đã yêu cầu phải xem xét rõ nhân vật này để nghiêm trị.

Từ những mẩu chuyện nhỏ đó, ông Trần Đình Nguyên quả quyết: “Ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và anh Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), chuyện chạy chức với các anh là không có”.

Nhiều lần ông từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp

Báo Vietnamnet có ghi lại câu chuyện của Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải : Tôi nhớ mãi hình ảnh ông Phan Văn Khải đến dự lễ khai mạc hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội.

Khi ấy, với cương vị là Phó Thủ tướng, ông không chỉ phát biểu khai mạc rồi về mà còn đến gian hàng, tận mắt xem các sản phẩm của DN Việt làm ra. Sau đó, ông có cuộc gặp rất thân mật với các doanh nhân trẻ như anh Đặng Lê Nguyên Vũ - cà phê Trung Nguyên, anh Võ Quốc Thắng - gạch Đồng Tâm…

Và nhiều cuộc sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đến với DN một cách bình dị và thực sự lắng nghe...

Trong những buổi làm việc giữa Ban Nghiên cứu với Thủ tướng, ông là người thực sự biết lắng nghe, gần gũi, với không khí làm việc rất dân chủ. Các thành viên của Ban không phải giữ kẽ, không phải e ngại điều này điều kia là cấm kỵ.

Khi phát biểu hay đưa ra một quyết định nào đó, ông đều hỏi ý kiến của các cộng sự xem như vậy có hợp lý không, có tốt không. Không phải lãnh đạo nào cũng tạo cho mình một phong thái học hỏi và mong muốn cải thiện mình như vậy.

Đặc biệt, khi dự thảo các luật, ông luôn đòi hỏi Ban Nghiên cứu phải tham vấn tối đa ý kiến của các cộng đồng liên quan trong xã hội. Thông qua đó, Ban Nghiên cứu đã giúp Thủ tướng thấy rõ lợi ích của đất nước nằm ở đâu, tác động đến kinh tế như thế nào, có những đối tượng nào chịu thua thiệt và làm thế nào để giảm thiểu điều này, nhất là tránh thiết kế những chính sách phục vụ cho lợi ích nhất định mà không phục vụ cho lợi ích chung.

Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, tôi chứng kiến nhiều lần ông từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm, tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các DN, với những người giúp việc cho mình. Đó là một tác phong đáng quý, chiếm được tình cảm của những người làm việc cùng ông.

Trong bài phát biểu trước QH khi từ nhiệm, ông nêu lên một số điều ông tiếc chưa làm được và nhận lỗi với QH, nhân dân. Như tình giải quyết trạng tham nhũng, lãng phí, hiệu quả phát triển kinh tế… Đấy chính là những gì ông trăn trở và hiện nay các nhà lãnh đạo của chúng ta đang cố gắng làm tiếp.

Ông Phan Văn Khải (thường được gọi với tên Sáu Khải) sinh ngày 25/12/1933 ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM); tham gia phong trào cách mạng từ năm 1947 khi 14 tuổi, vào Đảng năm 26 tuổi. Ông từng kinh qua các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Ban Chấp hành TƯ Đảng, QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang trong 2 ngày (20 và 21/3).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.