Cầu bị cuốn trôi, cô lập 1.500 người dân tại Kon Tum: Sử dụng cano hỗ trợ

GD&TĐ - Chiếc cầu sắt bắc qua sông Đăk Pne bị cuốn trôi khiến hơn 1.500 người dân bị cô lập. Các cơ quan chức năng đã khai thông đường phụ và bố trí cano để đảm bảo đi lại trước mắt cho người dân.

Lực lượng chức năng bố trí cano hỗ trợ người dân di chuyển qua khu vực sông Đăk Pne.
Lực lượng chức năng bố trí cano hỗ trợ người dân di chuyển qua khu vực sông Đăk Pne.

Chiều 29/10, Công an tỉnh Kon Tum đã bố trí một chiếc cano tại khu vực cây cầu sắt bị cuốn trôi nối xã Đăk Pne với trung tâm huyện Kon Rẫy (Kon Tum) để phục vụ việc đi lại, mua nhu yếu phẩm của người dân.

Theo ghi nhận, tại khu vực cây cầu bị cuốn trôi, lực lượng chức năng luôn túc trực, căng dây, cảnh báo không cho người dân di chuyển qua lại. Một ngày sau bão số 9, mưa tại khu vực này đã tạnh khiến mực nước sông giảm đi đáng kể. Một số người dân sử dụng thuyền nhôm để di chuyển qua lại mua nhu yếu phẩm sử dụng.

Một số người dân sử dụng thuyền để di chuyển mua nhu yếu phẩm.
Một số người dân sử dụng thuyền để di chuyển mua nhu yếu phẩm.

Khi hay tin cầu bị cuốn trôi, nhiều người dân bị cô lập, một số đoàn từ thiện cũng đến hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Chiều cùng ngày, hơn 1.000 chiếc bánh chưng, bánh mì đã được đoàn từ thiện Cô tư Anh (TP Kon Tum) vận chuyển qua sông để trao tặng cho người dân vùng cô lập.

Theo ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy do ảnh hưởng của bão số 9, chiếc cầu sắt bắc qua sông Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) bị cuốn trôi khiến gần 1.500 người dân ở thôn 2,3,4 của xã bị cô lập. Sau khi chiếc cầu bị cuốn trôi, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã có mặt căng dây, cảnh báo không cho người dân di chuyển qua lại.

Huyện Tu Mơ Rông khắc phục sự cố, sạt lở sau bão số 9.
Huyện Tu Mơ Rông khắc phục sự cố, sạt lở sau bão số 9.

Cũng theo ông Lương, khi bão số 9 đổ bộ, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ xã bị cô lập trong vòng 1 tuần. Do đó, chiếc cầu bị cuốn trôi người dân không bị thiếu vật dụng, thức ăn cần thiết.

Vị chủ tịch huyện cho hay, do tuyến đường chính không thể di chuyển được nên lực lượng chức năng đã thông tuyến đường phụ vào xã. Tuyến đường vòng này đi xa hơn 5 km, hơi khó đi, tuy nhiên xe máy vẫn có thể di chuyển được. Đường phụ này sẽ đảm bảo đi lại cho người dân khi cần thiết.

Cùng ngày, tại huyện Tu Mơ Rông lực lượng chức năng cũng đến những khu vực sạt lở để khắc phục hậu quả, khai thông đường cho người dân di chuyển.

Ông Tiêu Viết Trinh, Phó Chánh văn phòng huyện Tu Mơ Rông cho biết, bão số 9 khiến cây cầu tràn thôn Năng Nhỏ 1 (xã Đăk Sao) bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, mố cầu thôn Năng Nhỏ 2 bị dịch chuyển. Mặc dù nước đã rút nhiều nhưng lực lượng chức năng luôn túc trực, không cho người dân và phương tiện qua lại. Ngoài ra, nhiều khu vực tại xã Măng Ri, xã Tê Xăng, xã Đăk Rơ Ông cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

“Hiện tại lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố tại cầu tràn thôn Năng Nhỏ, tỉnh lộ 678… Tuy nhiên, do xe múc nhỏ, số lượng đất đá lớn nên chưa khắc phục được hoàn toàn. Nếu trong đêm nay tiếp tục mưa lớn sẽ khiến nhiều khu vực bị ách tắc.”, ông Trinh nói.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum cho biết, ảnh hưởng của bão số 9 nên trên địa bàn một số tuyến đường bị hư hỏng, nhiều công trình và tài sản, hoa màu bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại hơn 305 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.