Cấm phương tiện quanh hồ Hoàn Kiếm thế nào cho khả thi?

Các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có mặt đường khá hẹp, nên việc cấm phương tiện 24/24h ảnh hưởng lớn đến người dân Thủ đô...

Trên phố Hàng Bài trong giờ cao điểm ken kín lượng phương tiện
Trên phố Hàng Bài trong giờ cao điểm ken kín lượng phương tiện

Dân phàn nàn

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm mà TP Hà Nội dự kiến thí điểm cấm phương tiện hoạt động trong 1 tháng, đa phần đều có mặt đường khá hẹp, chỉ từ 10 - 14m. Tại đây, vào khung giờ cao điểm đều rất đông phương tiện.

Đơn cử, tuyến phố Lò Sũ chỉ có bề rộng mặt đường khoảng 6m. Hai bên vỉa hè gần như lấp đầy hàng quán kinh doanh. Ghi nhận của PV, chỉ trong khoảng 30 phút có mặt tại đây đã có hàng chục chiếc xe du lịch từ 16 - 45 chỗ lưu thông. Phố Lê Thái Tổ cũng luôn có lưu lượng phương tiện rất lớn lưu thông bởi ở đây đóng trụ sở của nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn như: UBND quận Hoàn Kiếm, Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN, Báo Hà Nội mới... Trong khi đó, tuyến đường này nằm trong lộ trình của hơn 30 tuyến xe buýt lưu thông.

Bà Vũ Thị Hằng (ở phố Lê Thái Tổ) cho biết, trước khi cấm phương tiện lưu thông, thành phố cần có giải pháp phân luồng hiệu quả, đồng thời có chính sách ưu tiên cho người dân sinh sống trong khu vực này. “Hiện, mới chỉ cấm xe 3 ngày cuối tuần, nhiều gia đình ở đây đã rất vất vả trong việc dắt bộ xe để về nhà rồi. Nếu triển khai trong một tháng, rồi cấm luôn chẳng biết cuộc sống của những hộ dân khu vực này sẽ thế nào”, bà Hằng băn khoăn.

Cũng theo ghi nhận của PV, trong ngày cuối tuần khi Hà Nội cấm phương tiện trên một số tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm, người tham gia giao thông phải dạt sang nhiều tuyến đường khác như: Hàng Vôi, Hàng Mắm, Hàng Ngang… Do lưu lượng quá lớn khiến hầu hết các tuyến đường này liên tục ùn tắc.

Đại úy Bùi Anh Tuấn, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, hàng ngày các tuyến phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm thường xuyên quá tải vào giờ cao điểm. Điều này chứng tỏ nhu cầu đi lại ở đây rất lớn. “Trước khi thí điểm, thành phố cần có phương án phân luồng phù hợp”, Đại úy Tuấn nói.

Trình phương án thí điểm trong tháng 10

Keyword đầu tiên có dấu

Tuyến phố Lò Sũ - một trong những tuyến phố có mặt trong danh sách cấm phương tiện lưu thông, có bề rộng mặt đường chỉ khoảng 6m, hàng ngày có nhiều phương tiện qua lại.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang phối hợp với Công an thành phố, quận Hoàn Kiếm tiến hành khảo sát cụ thể luồng tuyến, bãi đỗ xe xung quanh khu vực phố đi bộ để lên phương án thí điểm cấm xe trong 1 tháng.

Theo ông Viện, dự kiến ngay trong tháng 10/2019, Sở GTVT sẽ báo cáo phương án cấm phương tiện giao thông đi vào không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để thành phố quyết định. “Việc cấm sẽ được nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo khả thi, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm”, ông Viện nói.

Theo chuyên gia giao thông đô thị, GS. TS. Từ Sỹ Sùa, việc cấm phương tiện quanh hồ Hoàn Kiếm không nên làm đột ngột mà phải có lộ trình. Bước đầu nên thực hiện ở khu phố nhỏ, sau đó mở rộng dần các tuyến đường phụ cận. Về thời gian, từ 3 ngày cuối tuần tiến dần lên 4 ngày, 5 ngày, đánh giá từng bước rồi mới tăng thời lượng cấm xe cơ giới. “Các cơ quan chức năng cần điều tra, rà soát kỹ, nếu cấm phương tiện, dân cư trên các tuyến phố đó di chuyển thế nào? Bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng? Đồng thời, phân tích rõ lợi ích xã hội và của những người liên quan trực tiếp đến tuyến phố cấm để lựa chọn phương án khả thi nhất”, ông Sùa nói và cho rằng, nếu việc cấm xe được thực hiện theo cảm tính, “mệnh lệnh hành chính”, khó có được sự đồng thuận từ người dân.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng cho rằng, trong quá trình thí điểm, Hà Nội cần đánh giá việc thí điểm cấm ôtô, xe máy quanh hồ Hoàn Kiếm trong một tháng có giảm áp lực hay gia tăng ùn tắc giao thông ở các tuyến phố xung quanh. Chưa kể, chỗ gửi xe cần phải được quy hoạch, mở thêm các điểm trông giữ xe đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, việc cấm 1 tháng không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người sinh sống trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến việc di chuyển của nhiều người dân Thủ đô. Ở một số nước, khu vực phố đi bộ được thiết lập ở vị trí gần như không có người ở, chỉ có các gian hàng tạm buôn bán, kinh doanh dịch vụ. Họ cũng dành thời gian (ban đêm) để phương tiện cơ giới vận chuyển hàng hóa ra - vào.

Theo atgt.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ