Buông lỏng quản lý, dung túng “cát tặc” vùng giáp ranh TPHCM?

Dù lực lượng chức năng TP HCM đã có nhiều biện pháp ngăn chặn “cát tặc” nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Buông lỏng quản lý, dung túng “cát tặc” vùng giáp ranh TPHCM?

Thời gian qua, tình trạng “cát tặc” hoành hành trên địa bàn giáp ranh giữa TP HCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng TP HCM đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Mới đây, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an cùng với Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 đã phải vào cuộc, mật phục nhiều ngày đêm để bao vây, bắt giữ 7 tàu khai thác cát trái phép cùng hàng chục đối tượng tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận số cát bị bắt giữ được bơm hút trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, TP HCM.

Trước đó, hàng chục sà lan gắn vòi bơm công suất lớn khai thác cát cũng bị Bộ đội Biên Phòng TPHCM bắt giữ xử lý. Theo ghi nhận, năm 2018, tại vùng biển Cần Giờ các đơn vị chức năng đã bắt giữ, xử lý 65 trường hợp. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, phát hiện xử lý 12 sà lan hút cát trái phép.

buong long quan ly, dung tung "cat tac" vung giap ranh tphcm? hinh 1
Nhiều sà lan hút cát trái phép bị Bộ đội biên phòng TP HCM bắt giữ.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP HCM cho rằng, phần lớn các phương tiện, chủ tàu khai thác cát trái phép đều có chịu sự quản lý và xuất bến từ các tỉnh lân cận.

“Mới tháng Tư vừa qua, Cần Giờ cũng đã có ký kết quy chế phối hợp xử lý vấn đề này với các huyện của tỉnh bạn có liên quan. Bởi đa số các phương tiện vi phạm đều nằm trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Minh Dũng nói.

Bên cạnh đó, địa bàn khu vực cảng Long Bình, quận 9, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, tình trạng này cũng rất phức tạp khi "cát tặc" lợi dụng đêm tối đưa phương tiện ra hút trộm.

Khi bị truy đuổi thì chúng chống đối, cố tình đánh chìm phương tiện xuống đáy sông nhằm phi tang, gây cản trở cho công tác xử lý. Có nhiều phương tiện tái vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên khi bị bắt giữ việc xử lý gặp không ít khó khăn vì phương tiện đã được thay tên đổi chủ, kể cả thay đổi thuyền trưởng, thuyền viên… Đây cũng là một trong số khó khăn hiện nay.

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP HCM nói: “Theo luật hiện nay thì khai thác cát trái phép phải đủ 50 khối trở lên mới bị xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đó cũng chỉ là cơ bản, nên cũng đã có đề xuất sắp tới khi bắt được khai thác trái phép thì chỉ cần 1 đến 2 khối trở lên là xử lý rồi. Chứ không cần vài chục khối, vừa qua các đối tượng biết luật nên lách luật, gây khó khăn cho lực lượng chức năng”.

Tình trạng cát tặc lộng hành ở vùng giáp ranh nhiều nhất vẫn là ở khu vực vùng biển Cồn Ngựa. Trước đây, giữa lực lượng biên phòng TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu có thực hiện ký kết công tác phối hợp để xử lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn mạnh ai nấy làm, chỉ dừng ở mức độ trao đổi thông tin chứ chưa có nhiều biện pháp mạnh tay.

Mặc dù là địa phương có nhiều phương tiện bị xử lý vì liên quan đến khai thác cát trái phép song liên tục nhiều năm liền hầu như lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không tham dự Hội nghị về triển khai công tác phối hợp phòng chống khai thác cát trái phép các tỉnh giáp ranh… Điều này đã khiến dư luận đặt vấn đề có hay không chuyện buông lỏng công tác quản lý và có dấu hiệu dung túng cho các đối tượng “cát tặc” (?!).

Hiện TP HCM đang tập trung nhiều giải pháp để phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép và đã ban hành đề án với nhiều giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, những vấn đề về khai thác cát trái phép, vận chuyển kinh doanh khoáng sản bất hợp pháp trên địa bàn phải được giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp cần làm ngay là Biên phòng thành phố sớm có kế hoạch làm việc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phía Nam, Bộ đội biên phòng các tỉnh giáp ranh để rà soát chấn chỉnh công tác quản lý và đề ra các phương án phối hợp chặt chẽ hơn ngay trong tháng 7/2019.

“Thái độ chúng ta phải hết sức kiên quyết và phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm về lĩnh vực khai thác khoáng sản. Khó khăn nằm ở vùng giáp ranh thì mời UBND các địa phương lân cận cùng ngồi lại có hội nghị bàn cụ thể việc phối hợp để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Việc đấu tranh với tình trạng cát tặc lộng hành ở vùng giáp ranh cần sự mạnh tay của lực lượng chức năng. TP HCM cũng sẽ đấu tranh không hiệu quả nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các địa phương có vùng nước tiếp giáp.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ