22 chốt kiểm dịch quanh Hà Nội: Phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm

GD&TĐ - Sau hơn 1 tuần ra quân triển khai 22 chốt kiểm soát dịch, Công an TP Hà Nội đã kiểm soát hơn 170 nghìn phương tiện.

Người dân qua chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện khai báo y tế.
Người dân qua chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện khai báo y tế.

Trong đó, yêu cầu quay đầu xe với gần 1450 trường hợp có yếu tố dịch tễ, phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm Covid-19…

Hơn 1.400 phương tiện phải quay đầu

Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội thông tin, từ 14/7 đến 23/7, lực lượng chức năng đã kiểm soát 172.664 phương tiện với hơn 235.112 lượt người qua 22 chốt kiểm soát vào thành phố.

Trong đó, có 19.168 người có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Lực lượng chức năng đã yêu cầu quay đầu xe với 1.447 phương tiện có yếu tố dịch tễ. Đặc biệt, phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Trực tiếp đi kiểm tra giao thông phía Đông và Đông Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, giải quyết ùn tắc tại một số chốt phòng dịch, Công an thành phố đã cho triển khai ngay các phương án tạo “luồng xanh”.

Qua đó, hướng dẫn phân loại phương tiện từ xa và tổ chức kiểm tra y tế nhanh gọn, linh hoạt. Đồng thời, tập trung cao vào việc siết chặt nguồn lây lan bệnh dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Khi cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn và phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công.

Theo kế hoạch, từ 0 giờ ngày 20/7, các phương tiện đến từ các tỉnh, thành phố đang có dịch muốn vào thành phố Hà Nội phải khai báo y tế, có xét nghiệm âm tính. Cùng với đó, để kiểm soát kỹ người và phương tiện vào Thủ đô, lực lượng chức năng kiểm tra và khai báo y tế cho tất cả phương tiện có lộ trình vào Hà Nội.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện di chuyển vào Thủ đô, đi qua các chốt kiểm dịch, Công an TP Hà Nội ra thông báo đề nghị người dân chủ động chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết theo hướng dẫn.

Theo đó, nếu người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân, cần chuẩn bị CCCD; các loại giấy tờ: Giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ, giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin, quyết định hết thời hạn cách ly (nếu có).

Người dân điền thông tin vào tờ khai y tế tự nguyện đối với người di chuyển vào TP Hà Nội (tải biểu mẫu trên Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội). Nhiều người đi trên cùng một xe ô tô có thể khai chung một biểu mẫu.

Đối với phương tiện kinh doanh vận tải, Sở GTVT đã có hướng dẫn thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện, các loại phương tiện được đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”.

Đối với các phương tiện bao gồm: Xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19... có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đi vào “luồng xanh” được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn (Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc - Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Các doanh nghiệp đăng nhập và làm theo hướng dẫn, sau khi đăng ký thành công lái xe tự in thẻ nhận diện kèm mã QR Code để dán lên xe.

Chủ tịch Hà Nội kêu gọi khai báo y tế toàn dân

Ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kêu gọi và đề nghị người dân nâng cao ý thức, thực hiện khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ chính xác. Theo đó, người dân khai báo trên Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia (www.tokhaiyte.vn).

Đặc biệt, với những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, để được hệ thống y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý phòng dịch trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc khai báo y tế phải được coi là việc làm thường xuyên, liên tục. Mỗi người dân, kể cả đã khai báo y tế, khi có triệu chứng cần khai báo cập nhật ngay lên hệ thống để được xét nghiệm, kiểm tra và hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

Đây là nguồn dữ liệu quan trọng giúp ngành Y tế tổ chức sàng lọc, xét nghiệm sớm để phát hiện ca mắc. “Đây không chỉ là cách để bảo vệ chính mình mà còn là bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng...”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nói.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn toàn thành phố thực hiện lập, công bố danh sách, địa chỉ, thông tin hướng dẫn, liên hệ đường dây nóng (hotline) của các cơ sở khám điều trị, xét nghiệm, tiêm vắc-xin.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng giao Sở Y tế, Sở TT&TT đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân thực hiện khai báo y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.