13 ngư dân Việt bị tông chìm giữa biển khơi

Khi đang ngủ trưa, tàu cá bị tàu chở hàng dài 200 m tông chìm. 13 ngư dân phải nhảy xuống biển, bám vào thuyền thúng để thoát nạn.

13 ngư dân Việt bị tông chìm giữa biển khơi

Đang ngủ trưa thì tàu chìm

Đến 21h15 ngày 26/10, 13 ngư dân bị tàu tông chìm ngoài vùng biển Việt Nam đã được tàu SAR 412 đưa vào đất liền an toàn.

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau gần 10 giờ lênh đênh giữa trùng khơi, ngư dân Võ Văn Lẫy (33 tuổi, trú Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - thuyền trưởng tàu BD 95393), kể lúc đó 12h30 ngày 26/10, sau khi ăn cơm xong, anh em nghỉ trưa để lấy sức để tối đánh bắt.

Khi tất cả 13 thuyền viên đang ngủ thì hoảng hốt tỉnh giấc vì một cú va chạm mạnh, tàu cá bị chao đảo. Anh Lẫy chạy ra ngoài thì phát hiện một chiếc tàu chở hàng dài gần 200 m tông vào mạn trái tàu cá. Lúc đó, các ngư dân chỉ biết nhảy xuống biển vì nước tràn vào tàu.

Ngồi bên cạnh, ngư dân Võ Văn Bồng (37 tuổi, trú Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn còn sợ hãi. Anh Bồng kể: “Lúc đó, chúng tôi không kịp chạy đến vị trí cất áo phao. Khi chiếc tàu nghiêng về một bên và chuẩn bị chìm, tôi hô hoán anh em nhảy xuống biển để thoát nạn".

Theo anh Bồng, rất may lúc đó bên mạn phải tàu có một thuyền thúng nên tất cả ngư dân bám lấy nó. Chiếc thuyền thúng này chỉ chở được 5 người, nhưng 13 ngư dân trèo lên, nước tràn vào nên thay nhau tát, chỉ cần sóng lớn hơn chút nữa là lật úp.

Là người lớn tuổi nhất trong số 13 ngư dân, ông Nguyễn Thành Được (59 tuổi, trú Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) cho biết trong 30 năm làm nghề đi biển, ông nhiều lần đối mặt với sóng to, gió lớn nhưng không sợ bằng tai nạn lần này.

Các ngư dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tại nạn giữa biển khơi.
Các ngư dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tại nạn.

"Lúc bị nạn, vùng biển có mưa to, gió lớn nên chúng tôi hoang mang lắm. Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tất cả anh em chỉ biết động viên giữ bình tĩnh để thay nhau chèo thuyền với hy vọng sẽ được ứng cứu kịp thời", ông Được nói.

Sau 5 giờ vật lộn với sóng biển, đến khoảng 16h30, các ngư dân được tàu cá BD 95969 tiếp cận, ứng cứu. Vừa mệt, lại đói và rét nên ai cũng kiệt sức. Đến 17h, tàu cứu hộ, cứu nạn của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đến nơi, kịp thời chăm sóc sức khỏe các ngư dân.

Theo lời kể của các ngư dân, chiếc tàu lạ tông vào BD 95393 là loại tàu chở hàng, dài gần 200m, bên hông có ký hiệu "M", treo cờ của Liberia.

Chưa xác định được tàu gây tai nạn

Chủ tàu cá Võ Văn Lẫy cho biết anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển. Sau bao nhiêu năm tích góp, năm 1999, mới đóng được con tàu này. Đến năm 2012, sau khi tiếp quản con tàu từ bố mẹ, vợ chồng anh vay mượn nâng cấp con tàu lên 420 CV với chi phí rất lớn.

"Ngày 23/10, sau khi bán hết hải sản, chúng tôi lại ra khơi. Khi mọi người đang thả neo ở vị trí 17 độ vĩ bắc, 108,40 độ kinh đông để ngủ trưa thì bất ngờ bị tàu nước ngoài tông vào", anh Lẫy nói.

Theo chủ tàu, nếu tính hơn 10 tấn hải sản trên tàu thì tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Hiện giờ, gia đình ông vẫn còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ. "Giờ tôi không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Thuyền thì cũng không còn, giờ tất cả anh em ngư dân không biết làm gì để sinh nhai”, ông nghẹn ngào.

Ngay sau khi 13 ngư dân về đến đất liền, đại diện Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã đến ghi nhận lời khai để điều tra, truy tìm tàu lạ. "Tạm thời chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng Đà Nẵng hỗ trợ các ngư dân, vì họ không còn tiền bạc", đại úy Hà Văn Phượng, đồn biên phòng Sơn Trà nói.

Bộ đội biên phòng Đà Nẵng
Bộ đội biên phòng Đà Nẵng ghi nhận lời khai của chủ tàu.
Là người trực tiếp ra cứu người bị nạn, ông Phan Xuân Sơn - thuyền trưởng tàu SAR 412 - cho biết đã liên lạc với tàu mà ngư dân nghi là gây tai nạn. Hiện Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã báo cáo vụ việc lên cơ quan trung ương để hỗ trợ truy tìm tàu thủ phạm.

Cũng theo ông Sơn, do đã có số hiệu nên hoàn toàn có thể tìm và bắt tàu gây tai nạn. “Chúng tôi đã liên lạc với tàu mang cờ Liberia để xác nhận vụ việc. Ban đầu, thuyền trưởng lờ đi không trả lời, nhưng sau đó họ cho biết cơ quan chủ quản sẽ đứng ra giải quyết", ông Sơn thông tin.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...