Thói quen không ngờ khi ra đường khiến cha mẹ lạc mất con

GD&TĐ - Không chỉ trang bị kỹ năng cho trẻ, chính cha mẹ cũng cần “bỏ túi” các nguyên tắc cơ bản khi đưa con ra khỏi nhà.

Khi cha mẹ “nghiện” điện thoại, họ thường bị phân tâm và ít trò chuyện, quan tâm con mình. Ảnh minh họa: INT.
Khi cha mẹ “nghiện” điện thoại, họ thường bị phân tâm và ít trò chuyện, quan tâm con mình. Ảnh minh họa: INT.

Mải mê điện thoại

Thực tế, rất nhiều trường hợp khi bước vào một khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, luôn nghe thấy loa phóng thanh thông báo danh sách trẻ lạc chờ bố mẹ đến đón. Hoặc nhiều cha mẹ phải nhờ đến bảo vệ, nhân viên hỗ trợ tìm kiếm con mình.

Vấn đề nghiêm trọng hơn, không chỉ trẻ mà rất nhiều cha mẹ mất bình tĩnh và hoảng loạn khi con đi lạc. Vậy nên, chính cha mẹ hãy nhớ trong trường hợp này giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất, tránh trường hợp đưa ra những quyết định sai khiến việc tìm kiếm con trở nên khó khăn hơn.

Nhà báo Nguyễn Thị Dung (báo Tuổi trẻ Thủ đô) chia sẻ từng viết về câu chuyện bé trai 8 tuổi bước lên xe buýt một mình. Vì xe lúc đó khá đông người nên bé trai phải đi xuống gần cuối xe mới tìm thấy chỗ ngồi, vừa ngồi bé vừa nhướn lên phía trước để tìm kiếm ai đó.

Xe qua được một vài bến rồi nhưng vẫn chưa thấy mẹ mình đâu, bé trai bắt đầu hoảng sợ và đứng dậy đi tìm mẹ khắp xe. Có một hành khách thấy nét mặt lo lắng của bé trai này nên đã nói lại sự việc với tài xế.

Khi được tài xế gọi lên phía trên ngồi, bé trai này đã lo lắng đến mức suýt khóc, mọi người phải không ngừng an ủi và hỏi bé cách thức liên lạc với mẹ mình.

Thì ra trong khi đợi xe buýt, mẹ của bé trai này chỉ cắm cúi xem điện thoại mà không để ý đến con mình. Sau khi tìm quanh không thấy con đâu, người mẹ này rất hoang mang, suýt chút nữa thì gọi cảnh sát, may mà được tài xế xe buýt gọi điện thông báo đến đón con.

Người phụ nữ này kể lại: “Lúc đó đầu óc tôi vô cùng hỗn loạn, hối hận vì mình chỉ mải xem điện thoại, chớp mắt một cái đã không thấy con mình đâu rồi. May là họ đã sớm gọi điện cho tôi”.

Nhà báo Nguyễn Dung cho biết thêm, trong quá trình tác nghiệp về đề tài liên quan đến trẻ em, chị từng nghe câu chuyện của hai chị em cùng mẹ ra phố. Mẹ mải mê lướt điện thoại trên đường, ngẩng đầu lên đã không thấy con đâu.

Sau khi hốt hoảng nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát và tìm thấy con, chị đã rất ân hận vì ra đường với đôi mắt dán chặt vào màn hình điện thoại.

“Sau những vụ việc như vậy, nhiều cư dân mạng vô cùng bất bình, nói rằng: ‘Con lớn như thế mà vẫn để lạc là sao? Với những phụ huynh như vậy, không phải họ dắt con mà là con dắt họ ra đường mới đúng. Bây giờ thật không biết đứa trẻ hay điện thoại mới là con đẻ của mình nữa’…

Do đó, không chỉ trang bị cho con kiến thức, kỹ năng phòng tránh lạc đường mà chính người lớn cũng cần nhìn lại để sửa mình”, nhà báo Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Thói quen không ngờ khi ra đường khiến cha mẹ lạc mất con ảnh 1

Ảnh minh họa ITN.

Gián tiếp để lạc con

Điện thoại thông minh là vật bất ly thân của rất nhiều người, với nhiều mục đích như làm việc, đọc tin tức, nói chuyện với bạn bè ở khắp nơi và cầm điện thoại ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Các ông bố bà mẹ cũng không thoát khỏi lực hút của smartphone, qua đó khiến họ bị phân tâm và phớt lờ con cái. Vì dù ở bên con nhưng sự tương tác gắn kết giữa cha mẹ và trẻ luôn lỏng lẻo và kém chất lượng. Ngay cả khi đưa con đi chơi, vào trung tâm thương mại cũng “vứt” con một nơi an toàn để tự chơi rồi tranh thủ lướt điện thoại.

Thông thường, người ta thường hay nghe các phụ huynh than phiền về việc trẻ xem điện thoại quá nhiều. Nhưng nếu cha mẹ không xem tin nhắn, đọc email, lướt Facebook hay nói chuyện trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè, mà dành thời gian đó để trò chuyện, chơi với con thì có lẽ cơ hội để trẻ xem điện thoại là không có.

“Cha mẹ luôn đánh giá thấp việc mình sử dụng điện thoại mà không hề biết rằng nó đang gián tiếp gây hại cho con của mình. Trong đó có việc để lạc con khi ra đường”, cô Phạm Thu Huyền - Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội nhận định.

Để xử lý tình huống khi trẻ bị lạc tốt nhất, cô Huyền cho rằng chính cha mẹ cần lưu ý kỹ năng cần thiết cho bản thân. Ngay khi thấy con khuất khỏi tầm mắt cha mẹ hãy gọi to tên bé để bé có thể nghe tiếng.

Tìm vị trí cao, thoáng gần nhất để đứng cho bé dễ nhận ra vị trí của bạn. Tìm đến những người có trách nhiệm, người phụ trách khu vực bé bị lạc để cung cấp thông tin nhờ giúp đỡ. Giữ hình ảnh con trong ví, trong điện thoại, máy tính bảng mang theo để khi nhờ sự giúp đỡ của mọi người việc tìm kiếm dễ dàng hơn.

Nếu có thể hãy cho con mặc quần áo có màu sặc sỡ khi đến những địa điểm đông người. Nhớ chính xác đặc điểm đồ bé mặc khi mô tả trong quá trình tìm kiếm trẻ. Miêu tả chính xác đặc điểm cơ bản của bé về chiều cao, cân nặng, màu tóc, khuyên tai, giày dép…

Chủ động tìm kiếm trẻ tại nơi trẻ bị lạc, lần theo các dấu vết của con. Hãy kiểm tra những nơi có dấu hiệu nguy hiểm ở xung quanh khu vực như thang máy, thang cuốn, hồ nước, bể bơi…

Phương án cuối cùng bạn cần tìm đến là khai báo công an nếu như bạn không thể tìm thấy bé.

“Mặc dù cha mẹ vô cùng hoảng sợ khi con đi lạc, nhưng khi tìm được bé cha mẹ không nên trách móc, mắng mỏ con vì bé cũng trải qua quãng thời gian vô cùng sợ hãi. Trấn an, động viên là việc cha mẹ nên làm để tránh những sang chấn tâm lý cho trẻ.

Dịu dàng vỗ về và giải thích cho con hiểu sự nguy hiểm khi con bị đi lạc và để con tự rút ra bài học cho mình”, cô Huyền đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải