Thỏa thuận của Anh và EU về giai đoạn chuyển đổi

GD&TĐ - Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận hợp tác về pháp lý với Liên minh châu Âu về các điều khoản hợp pháp cho một thỏa thuận chuyển đổi Brexit – một bước phát triển quan trọng trong các cuộc đàm phán dai dẳng để nước Anh rời khỏi Liên minh này.

Thỏa thuận của Anh và EU về giai đoạn chuyển đổi

Né vấn đề “đường biên cứng” Ireland

Theo các điều khoản trong thỏa thuận này, Vương quốc Anh sẽ có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nước khác trong suốt quá trình chuyển đổi 21 tháng, bắt đầu từ khi Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 3/2019.

Tuy nhiên, để đảm bảo thỏa thuận này là một đảm bảo tương đối chắc chắn đối với các doanh nghiệp, Anh buộc phải nhượng bộ một số vấn đề, trong đó bao gồm cả quyền của các công dân EU trong giai đoạn chuyển đổi. London cũng phải chấp nhận một thỏa thuận “dự phòng” để tránh việc hình thành đường biên cứng ở Ireland – điều mà chắc chắn sẽ khiến Bắc Ireland trở thành một vấn đề đối với luật pháp của EU.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussel vừa qua, trưởng đoàn thương thuyết của EU Michel Barrnier cho biết thỏa thuận về dự thảo văn bản pháp luật cho việc nước Anh rút khỏi EU là một bước tiến mang tính quyết định đối với quá trình Brexit. Ông cũng cho biết văn bản này sẽ được trình lên các lãnh đạo hàng đầu của chính phủ EU. Văn bản này sẽ trở thành “thỏa thuận quốc tế cho việc nước Anh rút khỏi EU”.

Phát biểu cùng thư ký của quá trình Brexit của Anh, ông Barnier nói: “Những gì chúng tôi trình bày hôm nay là một văn bản pháp luật chung. Tôi cho rằng đây là bước quyết định cho tiến trình này”.

Các thỏa thuận thương mại

Dự thảo của bản thỏa thuận chưa được xác lập bao gồm các điều khoản cho một giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng sau Brexit, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/3/2019, cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình này. Một vấn đề có thể coi là một thắng lợi lớn cho nước Anh, đó là việc dự thảo của bản thỏa thuận khẳng định rằng, Anh vẫn có thể ký các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác; tuy nhiên các thỏa thuận thương mại này sẽ không có hiệu lực khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Sau khi thông tin này được đưa ra, đồng bảng Anh đã tăng giá so với đồng euro, thể hiện sự tán thưởng của thị trường thương mại quốc tế.

Một vấn đề nổi bật có thể làm sáng tỏ thỏa thuận, đó là vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland – đang và sẽ vẫn thuộc về EU và Bắc Ireland, là một phần của Vương quốc Anh.

“Chúng ta phải có một giải pháp khả thi và thực tiễn để tránh việc phải thiết lập một ranh giới cứng và bảo vệ sự hợp tác ở phía Bắc”, ông Barnier phát biểu. Ông cho biết, nước Anh đã đồng ý về nguyên tắc với kế hoạch dự phòng của EU về tình trạng biên giới của Ireland, theo đó, nếu chưa có ý tưởng nào tốt hơn để duy trì dòng chảy liên tục của hàng hóa cũng như con người qua biên giới, thì Bắc Ireland vẫn sẽ là một phần của Liên minh thuế quan châu Âu.

Liên minh châu Âu tỏ ra quan ngại về vấn đề “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland và e rằng một đường biên như vậy có thể gây nguy hiểm cho hiệp định hòa bình được ký kết năm 1998 – hiệp định đã chấm dứt hàng thập kỷ bạo lực nội bộ khu vực này.

Trong tuần này, ông Barnier sẽ thảo luận với các bộ trưởng Ngoại giao của EU, Ủy ban châu Âu vào ngày thứ 6 tới. Ngoài bà Thereasa May, các vị đứng đầu chính phủ các quốc gia EU đều không được mời tham gia cuộc họp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ