“Mỹ phải đưa ra sự lựa chọn. Họ có muốn tiếp tục là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ hay mạo hiểm tình hữu nghị của chúng ta bằng cách tham gia lực lượng khủng bố để làm suy yếu khả năng phòng thủ của đồng minh NATO khi chống lại kẻ thù của họ hay không?” – Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay phản pháo yêu cầu của Phó TT Mỹ Mike Pence.
Trước đó hôm qua (3/4), ông Mike Pence đã yêu cầu Ankara “chọn” việc duy trì là đối tác quan trọng trong NATO hay gây nguy hiểm cho thành viên của liên minh bằng cách có những “quyết định liều lĩnh” như mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Cuộc khẩu chiến trên Twitter của 2 nhà chính trị hàng đầu nổ ra 2 ngày sau khi Lầu năm góc dừng chuyển thiết bị liên quan tới chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ rằng việc vận chuyển này sẽ không được khôi phục trừ khi Ankara từ bỏ việc mua khí tài Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng một lần nữa nhắc Mỹ rằng việc mua S-400 của Nga là một “thỏa thuận đã thực hiện xong”.
“S-400 sẽ không được tích hợp vào hệ thống NATO” – Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu nói hôm qua, đồng thời ủng hộ việc lập một nhóm kỹ thuật nhiều bên để đảm bảo hệ thống phòng không này “sẽ không là một mối đe dọa” cho F-35 hay các hệ thống của NATO. Ông cũng gợi ý rằng vấn đề này rất có thể sẽ được TT Trump và TT Erdogan giải quyết.
Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định rằng, là một quốc gia có chủ quyền, họ có quyền chọn đối tác thương mại và nhà cung cấp vũ khí, đồng thời nhiều lần nhấn mạnh rằng việc mua các hệ thống vũ khí Nga là điều quan trọng đối với quốc phòng của đất nước trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria đang diễn ra ngay bên cạnh.
Bên cạnh những căng thẳng quanh các thỏa thuận vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ còn bày tỏ lo ngại về sự ủng hộ của Washington đối với các chiến binh người Kurd ở Syria, vốn thuộc Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF). Ankara xem các lực lượng người Kurd ở cả Syria và Iraq là chi nhánh “khủng bố” mở rộng của đảng Công nhân người Kurd – một nhóm nổi dậy đã có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập kỷ.