(GD&TĐ)- Không thể dùng xe đạp vì đường lắm đèo, dốc, đi xe máy thì chưa đủ tuổi, nên HS vẫn phải đi bộ gần 10 km từ nhà đến trường. Những bước chân vội vã không đủ làm ngắn lại quãng đường, nên các em phải mang theo cơm nắm để ăn dọc đường...
Ở thành phố, thị trấn, cảnh từng tốp học sinh đạp xe đi học quá quen thuộc. Nhưng, học sinh ở những xã vùng 3 nơi biên giới lại chưa biết đi xe dạp, mà nếu có xe đạp cũng không thể đi được những đoạn đường dốc cao liên tục. Con đường dài từ nhà đến trường và ngược lại, phải đi “xe của bộ”.
Nhà cách trường rất xa, 6- 9 km nhưng những học sinh này vẫn phải đi về trong ngày và phải đi bộ để đến trường. |
Chúng tôi đến trường THCS xã Chiềng On, huyện Yên Châu, (Sơn La) cách trung tâm Thành phố 70 km, nơi có ngôi trường được xây dựng khang trang, nằm ngay trung tâm xã.
Tiếp chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn An, Hiệu trưởng của trường, người đã bám trụ từ khi trường mới thành lập cho biết: Được thành lập từ năm 2002, đây là trường liên 3 cấp từ mầm non, tiểu học và THCS vì có lớp nhô. Đến nay, được tách thành trường THCS. Đã gần 10 năm vượt qua bao gian khó để có được ngày hôm nay với 264 học sinh thuộc 4 dân tộc, Sinh Mun, Mông, Thái và Kinh, trong đó: dân tộc thiểu số chiếm 90%; trường có 23 cán bộ, giáo viên.
Những năm qua, nhà trường đã cùng cấp ủy, chính quyền xã và các phụ huynh học sinh nỗ lực, quan tâm đến việc học tập và duy trì sĩ số học sinh. Song cũng do thiếu nhà bán trú nên việc duy trì sỹ số rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, trường lớp vắng hẳn.
Bởi lẽ, trường có tới 193/264 học sinh có nhà cách trường từ 5 đến 9 km, trong khi đường tới trường dốc, lầy lội vào mùa mưa, gập nghềnh và bụi vào mùa khô, không có phương tiện nào khác ngoài đi bộ, có một số ít học sinh thỉnh thoảng cũng được bố mẹ đưa đón bằng xe máy đến trường nhưng vẫn thường xuyên phải nghỉ học vì đường xa...
Xuất phát từ những khó khăn trên, năm 2004, Nhà nước đã hỗ trợ xây 8 phòng nhà bán trú dân nuôi cho 96 em ở. Trường phải huy động mọi nguồn vốn lắp đặt đường điện, nước sinh hoạt cho các em. Song, 8 phòng bán trú chỉ đáp ứng được một phần chỗ ở nên còn quá nửa số học sinh của trường chưa có nhà bán trú. Nhiều em gia đình không có điều kiện chu cấp sinh hoạt hằng ngày. Thêm vào đó các buổi chiều phải giúp việc cho gia đình, nên chỉ ở 2 đến 3 tháng lại bỏ về nhà.
Việc học sinh đi học xa ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập. Nhà trường chỉ học được một ca vào buổi sáng, còn việc dạy phụ đạo thêm cho các em học lực yếu khó thực hiện được. Vào những ngày trời mưa, tỷ lệ học sinh đi học muộn và bỏ học chiếm từ 10 đến 15%.
Kể về câu chuyện đến trường, em Giàng Lao Tuấn, học sinh lớp 9B, ở bản Ta Liễu nói: nhà em ở cách trường 9 km, để kịp giờ học, phải dậy từ 5 giờ sáng, học xong 2 giờ chiều mới tới nhà. Vì quá bữa nên em phải mang theo cơm nắm ăn dọc đường. Còn những ngày có giờ học thêm ngoại khóa, hay lao động vào buổi chiều thì chúng em ít khi đến trường được. Năm nay là cuối cấp, bố mẹ đã xin cho em được ở nhà bán trú của trường. Ở đây, chúng em phải tự lo hết mọi thứ từ học tập, nấu cơm, kiếm củi.
Anh Vì Văn Liểng, dân tộc Sinh Mun, ở bản Khuông, xã Chiềng On, cho biết: Tôi có cháu học lớp 6 trường THCS Chiềng On. Nhà cách trường 8 km, cháu phải thức sớm đi bộ đến trường từ 5 giờ sáng. Thấy cháu vất vả quá, tôi đã xin cho cháu vào khu bán trú, nhưng không còn phòng nên đành chịu. Tôi lo không biết cháu có theo học đến cuối cấp được không ?. Nếu nhà trường có thêm nhà ở bán trú và được Nhà nước hỗ trợ thêm cho sinh hoạt hằng ngày thì gia đình mừng lắm.
Để nâng cao chất lượng học tập và duy trì sĩ số cho học sinh nơi đây thì việc sớm thành lập trường THCS bán trú; đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh bán trú theo qui định là hết sức cần thiết đối với một trường vùng 3 biên giới như trường THCS Chiềng On, (Yên Châu).
Dưới đây là một số hình ảnh thường ngày của học sinh nơi đây chúng tôi ghi lại được:
Những học sinh này đi bộ từ 2km đến 3km để đến lớp. |
Hai em học sinh này phải xuất phát từ 5 giờ sáng để đến trường. |
Ngôi trường mới được xây dựng khang trang nhưng lại thiếu nhà bán trú. |
Có buổi học, học sinh nghỉ nhiều nhưng thầy vẫn lên lớp |
Trường có trên 90% học sinh dân tộc thiểu số |
Một buổi thể dục giữa giờ |
Nhà trường có chỗ ở bán trú xong có rất ít, không đủ đáp ứng cho phân nử sĩ số học sinh trong trường có nhà xa. Ả: học sinh ở bán trú trường chơi bóng cho đỡ nhớ nhà. |