Thiết bị y tế 4 trong 1 của học sinh Kinh Bắc

GD&TĐ - Thời gian qua, dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh. Chứng kiến quê hương bị dịch tàn phá, các y, bác sĩ vất vả, nhóm HS Trường THCS Tiền An (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) đã sáng tạo ra sản phẩm đo chỉ số sức khỏe "4 in 1".

Thành viên dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe - THL”.
Thành viên dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe - THL”.

Đây cũng là dự án đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Ninh xuất sắc lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Ý tưởng từ trong lõi dịch

Dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe - THL” của nhóm học sinh đến từ Trường THCS Tiền An đem đến giải pháp giám sát sức khỏe với giá rẻ, dễ sử dụng, tích hợp app chuyên dụng để đánh giá dữ liệu và kết nối với đội ngũ bác sĩ...

Chia sẻ về dự án khởi nghiệp “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe”, nhóm cho biết ý tưởng “nhen nhóm” từ tháng 5/2021 khi dịch bùng phát tại địa phương. Là những học sinh vùng “lõi dịch”, các em Phạm Hoàng Phú (lớp 9A1), Phạm Vũ Thảo Nguyên (7A1), Nguyễn Chí Bảo (7A2), Vũ Hoàng (7A1) và Nguyễn Trường Giang (7A1) đã cùng nhau họp bàn, đề xuất ý tưởng với cô Nguyễn Thị Bích Ngọc (giáo viên môn Sinh - Hóa) để hiện thực.

Theo em Phạm Hoàng Phú - trưởng nhóm, trong bối cảnh dịch, việc đo chỉ số nồng độ oxy (SpO2), nhiệt độ, huyết áp… thường xuyên là rất cần thiết. Tuy vậy, mọi người phải mua 2, 3 thiết bị để kiểm tra sức khỏe mỗi ngày mà giá không hề rẻ. Nếu có sản phẩm tích hợp được các chỉ số sẽ giúp rút ngắn thời gian đo và mang lại cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhân.

“Nhóm chúng em đã quyết tâm “hợp nhất” tính năng gồm đo SpO2, nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ vào cùng máy THL (viết tắt của Technology Healthy Lifestyle) với mong muốn đem cuộc sống sức khỏe tới tất cả mọi người. Thiết bị hướng tới tiêu chí số 13 của Liên Hợp Quốc là “đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Cả nhóm đã tìm được tiếng nói chung do trước đó chúng em đã tham gia câu lạc bộ Microbit và bắt đầu tìm hiểu, khám phá sức mạnh của bảng mạch điện tử thông minh. Ban đầu, máy đo các chỉ số sức khỏe thực chất chỉ là chiếc hộp chứa các cảm biến, mạch điện. Sau đó, nhóm dành thời gian để cải tiến kĩ thuật, mở rộng tính năng, khắc phục các lỗi chẩn đoán, hiển thị số liệu…”, Phạm Hoàng Phú chia sẻ.

Tuy vậy, do kiến thức hạn hẹp, các thành viên của startup trẻ này mất nhiều thời gian “loay hoay” với việc làm sao để máy hoạt động trơn tru, thời gian phân tích nhanh, hiển thị đúng số liệu. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của các anh chị sinh viên Trường Đại học Bách khoa, nhóm của Phú đã học được cách viết code, thiết lập câu lệnh, dựng đồ họa thiết bị. Từ đó, nhóm có thể cải tiến “trí thông minh” của máy đo các chỉ số sức khỏe THL.

Qua nhiều tháng nghiên cứu, dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe” hoàn thiện với thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, thuận tiện khi mang đi, giá cả phải chăng.

Không dừng lại ở đó, máy THL còn có tính năng kết nối với thiết bị thông minh như iPhone, iPad qua ứng dụng số (app). Hiện, tính năng này cần wifi để truyền dữ liệu nhưng tương lai chỉ cần có kết nối không dây như Bluetooth hoặc NFC thì người dùng có thể tiếp nhận các chỉ số sức khỏe dễ dàng.

Theo dõi sức khỏe qua hệ thống thiết bị đo các chỉ số sức khỏe - THL.
Theo dõi sức khỏe qua hệ thống thiết bị đo các chỉ số sức khỏe - THL.

Rẻ, nhanh, chính xác, dễ sử dụng

Nữ thành viên duy nhất của nhóm là Phạm Vũ Thảo Nguyên, dù mới 13 tuổi nhưng rất đam mê nghiên cứu khoa học. Nguyên chia sẻ giá thành của máy THL chỉ 2.499.000 đồng/bộ dành cho đối tượng cá nhân. Nếu khách hàng là công ty, trường học thì nhóm có phiên bản “cao cấp hơn” với màn hình cảm ứng 7 inch, cảm biến hồng ngoại… với giá cao hơn nhưng thuận tiện vận hành và kết quả đo nhanh.

Để chứng minh hiệu quả, máy THL đã được thử nghiệm tại một số hộ gia đình và các cơ sở y tế tại Bắc Ninh và nhận phản hồi tích cực do dễ sử dụng, gọn nhẹ và quan trọng nhất là giá cả phải chăng.

“Đây là một sản phẩm đo chỉ số sức khỏe nhanh chóng, chính xác, dễ sử dụng. Người già có thể tự dùng mà không cần có con cái ở bên. Chỉ số sẽ truyền trực tiếp vào máy điện thoại thông minh của người thân. Có trường hợp, trẻ hơn 1 tháng tuổi có thể đo nhiệt độ nhờ cảm biến nhiệt độ ngay lập tức thay vì chờ kẹp nhiệt kế vào nách và miệng như truyền thống…”, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – giáo viên Trường THCS Tiền An chia sẻ.

Theo cô Ngọc, nhóm đang nghiên cứu và hoàn thiện tính năng lời nhắc bệnh nhân. Ví dụ như đến 7 giờ sáng, máy sẽ thông báo “đến giờ đo huyết áp” hoặc khi thấy nhịp tim cao bất thường, máy sẽ nhắc người dùng liên hệ bác sĩ. App theo dõi sức khỏe do các bạn học sinh phát triển cũng có phần kết nối với bác sĩ chuyên môn phổi, tim mạch.

Để sản phẩm được quảng bá rộng rãi, trước mắt máy THL sẽ được bày bán tại các quầy thuốc gần bệnh viện hoặc phân phối tới nhà cung cấp vật tư y tế. Bên cạnh đó, các hội thảo tư vấn sức khỏe miễn phí sẽ là cơ hội để dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe” tới gần hơn với khách hàng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Vương Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tiền An - cho biết, thiết bị đo các chỉ số sức khỏe THL phát triển dựa trên kết quả đã đạt được trong Dự án kỹ năng số cho thế kỷ 21 do Vietnet - ICT và Hội đồng Anh tổ chức (Sản phẩm đoạt Huy chương Bạc). Đây cũng là kết quả hội tụ từ các câu lạc bộ (CLB) STEM của nhà trường.

Nói về sản phẩm THL, ông Nguyễn Cương Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh - đánh giá, dự án “Thiết bị đo các chỉ số sức khỏe” của nhóm học sinh Trường THCS Tiền An là dự án đầu tiên học sinh của tỉnh xuất sắc lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021. Phòng GD&ĐT đánh giá cao những nỗ lực của giáo viên và học sinh Trường THCS Tiền An.

“Kết quả này là một thành tích quan trọng, niềm vinh dự của Trường THCS Tiền An và ngành GD-ĐT tỉnh nhà nói chung và thành phố Bắc Ninh nói riêng…” - ông Nghị khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ