Thiết bị cô đặc mật ong và nước mắm của học sinh Thủ đô

GD&TĐ - Đây là sáng chế có tính mới, sáng tạo, cải tiến từ những kỹ thuật cơ bản của ngành kỹ thuật hóa học và chế biến thực phẩm.

Nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

“Mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp” của nhóm học sinh Hà Nội vừa nhận giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2022.

Dùng sóng siêu âm cô đặc mật ong và nước mắm

Tại lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc ngày 27/11, đề tài: “Mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp” của nhóm tác giả: Đặng Chí Bằng (lớp 8A3, Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội), Vũ Việt Nguyên (lớp 8A5, Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), Vũ Khánh Uyên (lớp 8A12, Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), Hoàng Khánh An (lớp 8A2.1 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Lã Nguyệt An (lớp 8D, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) đã vinh dự nhận giải Đặc biệt.

Em Đặng Chí Bằng, thành viên nhóm, cho biết, mật ong và nước mắm là những sản phẩm quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của Việt Nam, có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều tác dụng trong y học. Tuy nhiên, mật ong lại dễ bị lên men dẫn đến giảm chất lượng. Còn nước mắm muốn ngon phải có độ đạm cao.

Để tăng chất lượng sản phẩm mật ong và nước mắm, phải tách nước làm giảm thủy phần. Từ “chìa khóa” này, nhóm quyết định nghiên cứu và xây dựng đề tài để sáng tạo mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp.

Mô hình thiết bị gồm các bộ phận chính là khoang làm việc; Đầu siêu âm; Quạt hút; Bộ phận gia nhiệt; Hộp điều khiển. Nguyên liệu mật ong, nước mắm cần hạ thủy phần được đưa vào khoang làm việc.

Đầu siêu âm sẽ tạo sóng siêu âm rung làm tách các phần tử nước liên kết và tự do thành những hạt sương nhỏ li ti bay lơ lửng trong không khí. Những hạt sương này sẽ bị quạt hút không khí tạo thành dòng ra ngoài. Bộ phận gia nhiệt làm tăng hiệu suất tách ẩm trong sản phẩm, thủy phần trong sản phẩm được hạ nhanh hơn.

Thực tế trên thị trường, sản phẩm tách ẩm trong mật ong hay nước mắm không hiếm, nhưng điểm khác biệt của mô hình này là sử dụng sóng siêu âm. Theo nhóm tác giả, việc chỉ sử dụng đầu siêu âm và gia nhiệt gián tiếp ở nhiệt độ thấp nên đảm bảo được chất lượng, không làm thay đổi màu sắc, không biến đổi hoặc mất đi các chất có trong sản phẩm.

Quá trình hoạt động không sử dụng hóa chất, không gây ô nhiễm môi trường. Thành phẩm mật ong và nước mắm có màu sáng đẹp, bắt mắt, giữ nguyên được thành phần dinh dưỡng như trước khi đưa vào thủy phần.

Có thể áp dụng quy mô công nghiệp

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc giải quyết chất lượng mật ong, đặc biệt là vấn đề chưa chín (độ ẩm/ HMF) nếu không được làm triệt để rất có thể sẽ khiến ngành mật ong Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất đi hàng loạt thị trường xuất khẩu lớn. Các đơn vị nhập khẩu của EU và Hoa Kỳ yêu cầu mật ong nhập khẩu từ Việt Nam có tỷ lệ nước cho phép là 18,5% hoặc thấp hơn trong khi tiêu chuẩn Việt Nam còn khá cao ở 22,5%.

Trên thị trường hiện nay đã có nhiều loại máy tách nước trong mật ong bằng công nghệ sấy khay, cô đặc, sấy áp suất thấp - chân không, vi sóng - hồng ngoại... có thể giảm bớt hàm lượng nước trong mật ong xuống tương đương với tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, các phương pháp này đều tồn tại những nhược điểm mấu chốt ảnh hưởng lớn đến chất lượng của mật ong như làm mất thành phần dinh dưỡng (phương pháp sấy khay, cô đặc) hoặc làm mất hương vị tự nhiên hay tối màu mật ong (phương pháp sấy áp suất thấp, cô đặc chân không, sấy khay đục lỗ).

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi, đánh giá, phong trào thi đua sáng tạo trong thanh, thiếu niên, nhi đồng của Hà Nội luôn đi đầu. Năm nay, Hà Nội cũng là địa phương đóng góp nhiều giải thưởng nhất và giành giải cao nhất của cuộc thi.

Đây là sáng chế có tính mới, sáng tạo, cải tiến từ những kỹ thuật cơ bản của ngành kỹ thuật hóa học và chế biến thực phẩm. Thiết bị này có thể được chế tạo ở quy mô lớn hơn để phục vụ sản xuất thực tế. Sáng chế của nhóm nghiên cứu có thể giúp cho việc hạ thủy phần mật ong và nước mắm trở nên hiệu quả hơn cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế, giúp nâng cao giá trị của mật ong Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, mô hình thiết bị được chế tạo và lắp ráp gọn, đơn giản, dễ vận hành, phù hợp với nhiều mô hình sản xuất, năng suất tách nước cao, có thể gia nhiệt để tăng hiệu quả tách ẩm. Các vật tư và phụ kiện dễ mua trên thị trường Việt Nam, có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp nhằm gia tăng giá trị của mật ong, nước mắm – những mặt hàng nông thủy sản đặc trưng của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.