Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Khởi động trước kỳ thi đổi mới

GD&TĐ - Các nhà trường đang nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức trước kỳ thi đổi mới.

Cô, trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trong giờ học. Ảnh: Q. Ngữ
Cô, trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trong giờ học. Ảnh: Q. Ngữ

Chủ động bắt nhịp

Nắm bắt được phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) đã chủ động tuyên truyền, phổ biến phương án thi mới tới học sinh. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh lựa chọn môn thi phù hợp.

Năm học này, Trường THPT huyện Điện Biên có 27 lớp với 1.053 học sinh. Trong đó, lớp 11 có 10 lớp, 357 học sinh và chia thành 4 nhóm theo tổ hợp môn lựa chọn. Thầy Trần Đức Đạt - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới, ban giám hiệu đã chủ động nắm bắt và triển khai cho giáo viên, học sinh, đặc biệt là các em học lớp 11 biết số lượng môn thi cũng như những điểm mới của kỳ thi.

Tuần tới, nhà trường tổ chức buổi tư vấn cho học sinh toàn trường, đặc biệt là lứa đang học theo Chương trình GDPT mới về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Buổi tư vấn do cô hiệu trưởng trực tiếp điều hành chắc chắn sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích, định hướng cần thiết cho học sinh”.

Theo thầy Đạt, phương án thi mới có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Điều đó giúp học sinh có cơ hội lựa chọn môn thi là thế mạnh. Từ đó, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh thêm thuận lợi.

Là Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT huyện Điện Biên, thầy Trần Thế Đại nhìn nhận: “Phương án thi mới, môn Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc. Số lượng học sinh sau này đăng ký có môn Tiếng Anh trong tổ họp môn để xét tuyển đại học của trường dự kiến khoảng 10%.

Tuy nhiên, theo Chương trình GDPT mới và xu hướng hội nhập quốc tế, Tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc ở các trường đại học. Từ đó, định hướng của trường là chú trọng phát triển kỹ năng và năng lực cho học sinh chứ không đặt nặng kiến thức để thi tốt nghiệp”.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Ảnh: Q. Ngữ

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Ảnh: Q. Ngữ

Còn thầy Trần Thế Dũng - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT huyện Điện Biên trao đổi: “Từ trước đến nay, môn Toán vẫn là môn thi bắt buộc. Do vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch nắm bắt, định hướng chương trình tổng thể cho học sinh; Cùng đó, trường phân luồng, rèn luyện theo từng nhóm”.

Học đều các môn, Trần Thị Quỳnh - học sinh lớp 11B1, Trường THPT huyện Điện Biên đã định hướng lựa chọn khối A00 để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. “Em sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường khối quân đội hoặc kinh tế. Sau khi được thầy chủ nhiệm phổ biến phương án thi mới, em đã nắm bắt cơ bản số lượng môn thi, những điểm mới của kỳ thi. Em thấy vui khi số lượng môn thi giảm và sẽ cố gắng để đạt kết quả tốt ở những môn mình lựa chọn”, Trần Thị Quỳnh chia sẻ.

Sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT mới, phòng tư vấn học đường của Trường THPT huyện Điện Biên “tấp nập” hơn ngày thường. Học sinh đến để được giáo viên tư vấn, lựa chọn môn thi phù hợp với khả năng. Được thầy cô tư vấn, em Lò Hồng Quyên - lớp 11B5 đã lựa chọn được môn thi tự chọn là Lịch sử và Giáo dục công dân.

Lò Hồng Quyên chia sẻ: “Em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Giáo dục công dân nên thấy tự tin hơn khi lựa chọn môn thi này xét tuyển đại học. Dự định theo ngành Luật nên điều trước mắt em cần làm là cố gắng học đều các môn học và dành thời gian nhiều hơn nữa đối với môn lựa chọn xét tuyển đại học. Cùng đó, em cần nắm bắt và tìm hiểu rõ những quy định trong phương án thi tốt nghiệp THPT mới”.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) thuyết trình dự án trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2023 – 2024. Ảnh: Ánh Ngọc

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) thuyết trình dự án trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2023 – 2024. Ảnh: Ánh Ngọc

Thay đổi cách dạy, học

Dạy môn Địa lý, thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết: Không đợi đến công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà trước đó cán bộ, giáo viên đã tiếp cận, tìm hiểu và có bước chuẩn bị, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2028.

Theo thầy Thạch Sa Quên, để học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, nhà trường, giáo viên quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp; lên kế hoạch dạy học, ôn tập trước và sau khi có mô phỏng cấu trúc đề thi…

Với nhiều đổi mới trong phương án thi nên các trường phải thay đổi phương pháp dạy và học, đáp ứng đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. “Kỳ thi là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, việc dạy học cần thay đổi để chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh chứ không chỉ là đánh giá kiến thức, kỹ năng như trước đây”, thầy Thạch Sa Quên nhấn mạnh.

Trao đổi về việc chuẩn bị cho phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Phương Toàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho hay: Với phương án thi tốt nghiệp THPT vừa được công bố, sở GD&ĐT triển khai đến các trường THPT. Theo đó, mỗi đơn vị cần nỗ lực, thực hiện tốt Chương trình GDPT năm 2018 với khối lớp 10 và 11. Riêng khối 12 cần triển khai đúng phân phối chương trình, đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; quan tâm bồi dưỡng học sinh có học lực yếu, kém.

Trong đó, việc định hướng học sinh rất quan trọng, hiện cấp THPT học sinh được phân hóa rõ rệt ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp bằng cách lựa chọn tổ hợp môn.

Thay vì học nhiều môn như trước đây thì hiện tại ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Quá trình phân hóa này, đặc biệt trước khi bước vào cấp THPT, đòi hỏi học sinh phải biết rõ sở trường, năng lực bản thân, sở thích nghề nghiệp để có thể chọn các môn học, môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Khẳng định trong Chương trình GDPT 2018, vai trò của các môn học ngang nhau, thầy Võ Hoài Nhân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) đồng thời nhấn mạnh: Phương án thi tốt nghiệp THPT mới đòi hỏi nhà trường phải dạy và học đều các môn học, tránh trường hợp coi trọng môn này, nhẹ môn kia...

Do đó, trong công tác giáo dục cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng khiếu cho học sinh. Từ thực tế cũng chứng minh, nhiều học sinh khi đi học không giỏi môn tự nhiên hay xã hội, thế nhưng sau này ra xã hội các em lại thành công trong cuộc sống ở một số lĩnh vực liên quan.

Tiết học Toán của cô trò Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận
Tiết học Toán của cô trò Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận

Bám sát chuẩn kiến thức và đổi mới

Cho dù kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 có nhiều thay đổi trong phương án thi nhưng theo ghi nhận từ ban giám hiệu các trường THPT, không có xáo trộn lớn trong công tác dạy – học và kiểm tra đánh giá.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Với những môn học sinh không lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, nhưng các em vẫn tham gia những bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đề kiểm tra theo đúng ma trận và áp dụng cho toàn khối, không phân biệt môn thi tốt nghiệp hay không”.

Cái khác biệt là việc được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ sớm, theo thầy Hưng, sẽ trả lại việc thi cử theo đúng năng lực, nhu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh. Các em chủ động hơn trong phân bố, đầu tư thời gian cho từng môn học tùy thuộc vào mục tiêu học tập.

Tại Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), thầy Hiệu trưởng Phạm Tấn Bửu khẳng định, nhà trường không quá lo lắng việc giáo viên “chạy điểm, cấy điểm” hay thả lỏng với những môn học sinh không thi tốt nghiệp. “Giáo viên dạy bộ môn rất tự trọng trong vấn đề này.

Tuy nhiên, phải tạo điều kiện, cơ hội để các em phát huy ý thức học tập cải thiện điểm số. Cụ thể, đối với học sinh có điểm kiểm tra không cao thì khuyến khích tích cực học, ôn bài cũ để được trả bài cộng điểm... Đây chính là cách tạo động lực cho học sinh có ý thức hơn trong học tập. Không phải cứ căng thẳng, áp lực thì hiệu quả”, thầy Bửu trao đổi.

Trường THPT Trần Cao Vân đã phổ biến sớm cho học sinh khối 11 về những đổi mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. “Trong đó, nhà trường nhấn mạnh môn Ngoại ngữ vẫn là môn công cụ, các trường đại học, cao đẳng tiếp tục xem đây là môn điều kiện trong xét tốt nghiệp. Vì vậy, học sinh cần xác định động cơ, mục tiêu học tập phù hợp để có kết quả tốt”, thầy Bửu cho biết.

Với phương án thi tốt nghiệp năm 2025, thầy Bửu và thầy Hưng cho rằng, giáo viên phải dạy theo hướng phân hóa đối tượng, cùng trong một tiết dạy nhưng sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho học sinh đủ để thi đại học, cao đẳng. Với những đổi mới phương thức thi như hiện nay, yêu cầu với các trường sẽ cao hơn: Vừa đảm bảo giáo dục toàn diện, vừa đảm bảo chất lượng của cả kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học.

Bộ GD&ĐT công bố sớm phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã giúp các trường chủ động trong công tác dạy - học. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhà trường vẫn tổ chức các hoạt động dạy học ở Chương trình GDPT 2018 bình thường.

Dù hình thức thi như thế nào thì khung chương trình không thay đổi, vẫn phải đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học và ôn tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, cách vận dụng các đơn vị kiến thức, kỹ năng làm bài...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ