Thí sinh Yên Bái thoải mái sau môn thi Ngữ văn

GD&TĐ - Sau khi kết thúc môn thi, nhiều thí sinh bước ra cổng trường với tâm trạng vui, thoải mái. Các em đánh giá đề thi môn Ngữ văn vừa sức.

Thí sinh điểm thi trường THPT Mù Cang Chải hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn.
Thí sinh điểm thi trường THPT Mù Cang Chải hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn.

Thí sinh Sùng Thị Minh Châu - Trường THPT Mù Cang Chải chia sẻ: "Sau khi Bộ ra đề thi minh họa, em đã bám theo sườn đó ôn luyện. Bài thi môn Ngữ Văn sáng nay em hoàn thành tốt, tự tin được 7 điểm trở lên".

Tại khu vực cổng trường điểm thi THCS&THPT Púng Luông (huyện Mù Cang Chải), các lực lượng công an, sinh viên tình nguyện đã triển khai đội hình để hướng dẫn phân luồng giao thông, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh để đảm bảo an ninh trật tự.

Điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái có 690 thí sinh; trong đó, trên 200 học sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do với 29 phòng thi, 115 cán bộ làm công tác thi. Các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và hoạt động "Tiếp sức mùa thi" được triển khai, bố trí linh hoạt, nhịp nhàng đảm bảo an toàn, nghiêm túc ngay từ cổng trường thi.

Trong buổi sáng nay, các thí sinh làm bài thi môn thi Ngữ Văn với thời gian làm bài 120 phút. Đề Văn năm nay nhiều thí sinh cho rằng khá sâu sắc và thú vị. Đề đã bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân hóa cao. Nhưng ấn tượng hơn cả là đề thi đã chạm đến trách nhiệm của tuổi trẻ, về lẽ sống, về sống biết cống hiến song để đạt điểm tuyệt đối là hơi khó.

Thí sinh ra về

Thí sinh ra về

Theo nhận định của một giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng, Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố. Cụ thể như:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết. Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai phép so sánh “như sao trời mát mắt…như lửa thiêng liêng…”

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh nhận xét về những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải nhận ra được những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ đối với đất nước, chủ yếu thể hiện trong 6 câu cuối đoạn, đồng thời thể hiện quan điểm riêng của mình để có thể nhận xét một cách sâu sắc, thấu đáo với cả sự chia sẻ hoặc phản biện. Tuy nhiên, câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập.

Cũng theo các giáo viên, nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.

Đánh giá Phần II – Làm văn (7,0 điểm), giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm): Nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng – đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ. Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng…

Hơn thế nữa, nếu thí sinh không đọc kĩ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước. Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc “tiếp bước thế hệ đi trước” - bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm (đầu và cuối truyện), trong 2 cự li (chiếc thuyền khi ở ngoài khơi xa, được cảm nhận như một cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh; và chiếc thuyền đang vật vã chống chọi với sóng gió giữa cơn bão biển dữ dội ở cuối truyện, gợi ra những suy tư bất an về thân phận con người), thì đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.

Các giáo viên cho rằng đề thi Ngữ Văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 toàn tỉnh có hơn 8.000 thí sinh tham gia dự thi tại 28 điểm thi với 341 phòng tại các huyện, thị xã, thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.