Thí sinh vững tâm bước vào phòng thi

GD&TĐ - Thầy cô giáo cùng đồng hành, hỗ trợ HS vùng dịch trong suốt thời gian các em kéo dài ôn tập.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra khâu cuối cùng của kỳ thi.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra khâu cuối cùng của kỳ thi.

Những thí sinh ngoại tỉnh gửi thi ghép ở các địa phương khác cũng được tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, được động viên thăm hỏi… để các em tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo phương châm “phòng dịch chặt – quy chế nghiêm”.

Vững tinh thần – chắc kiến thức

Vừa kết thúc buổi học Quy chế thi, Lê Thị Mỹ Ngân - HS lớp 12C9, Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết cho buổi thi ngày mai. Hai khẩu trang y tế dự phòng được Ngân cho vào túi nhựa trong. Bút, giấy báo dự thi, một chai nhựa trong, đã xé nhãn dùng để đựng nước uống được Ngân chuẩn bị sẵn.

Ngân cho biết: “Ở buổi phổ biến Quy chế thi, ngoài các quy định cần nhớ, thầy cô giáo đã dặn chúng em phương án phân luồng thí sinh vào đầu và cuối buổi thi. Chúng em cũng được dặn vào các giờ thi buổi chiều không nên đến trường sát với giờ vào thi. Đề phòng trường hợp thân nhiệt quá cao khi đo, cần có thời gian nghỉ ngơi để đo lại cho chính xác”. Thí sinh ở 7 điểm thi của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Ngãi đều được dặn dò chi tiết như 24 thí sinh cùng phòng thi của Ngân.

Mỹ Ngân đăng ký xét tuyển vào ngành Du lịch ở Nha Trang. Vì vậy, Ngân xem rất kỹ phổ điểm thi của tổ hợp môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý.

“Em thấy phổ điểm cũng tương tự với điểm thi đợt 1 của năm 2020. Theo hướng dẫn của thầy cô, em đã căn thời gian làm thử đề thi của đợt 1. So sánh với đáp án, em đạt mức điểm 6 – 7 điểm. Lúc đầu bọn em có tâm lý sợ đề thi đợt 2 sẽ khó hơn đề đợt 1, nhưng thầy cô đều cho biết mức độ khó của hai đợt tương đương nhau nên yên tâm hơn. Thi đợt 2, bọn em có thuận lợi là đã hình dung được cấu trúc đề thi cũng như mức độ khó của đề nên đỡ mông lung hơn” – Ngân tâm sự.

Từ định hướng của thầy cô giáo, Ngân tập trung ôn tập kỹ hơn môn Lịch sử vì “em thấy đề thi môn Lịch sử ở đợt 1 là khá dài và khó, em bị hổng nhiều kiến thức”.

Quảng Ngãi có 1.329 thí sinh dự thi, trong đó có 162 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và HS để lựa chọn hình thức hỗ trợ ôn tập phù hợp cho đến ngày HS dự thi đợt 2.

Thầy Dương Công Dũng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT số 1 Đức Phổ chia sẻ: Nhà trường động viên những GV làm công tác chủ nhiệm lớp 12 năm học 2020 – 2021 vẫn duy trì công tác chủ nhiệm đối với HS trong dịp hè này. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng đồng thời là tình cảm của thầy cô. Ngoài cập nhật những thông tin liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tình hình phòng, chống dịch, các thầy cô giáo còn động viên, nhắc nhở HS tiến độ ôn tập. Với những HS chưa có ý thức cao trong việc tự học, GV sẽ nhờ phụ huynh phối hợp hỗ trợ, nhắc nhở.

Trường THPT số 1 Đức Phổ có 30 thí sinh đang sinh sống trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo thầy Dũng, những HS này đặc biệt được GV chủ nhiệm thường xuyên liên lạc, động viên tâm lý cũng như nhắc nhở các em tập trung ôn tập.

Thí sinh điểm thi Trường THPT số 2 Đức Phổ thực hiện giãn cách khi đo thân nhiệt.
Thí sinh điểm thi Trường THPT số 2 Đức Phổ thực hiện giãn cách khi đo thân nhiệt. 

An toàn, kỷ cương

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long huy động cả hệ thống chính trị để đảm bảo kỳ thi an toàn, kỷ cương.

Bảo đảm an toàn cho thí sinh và lực lượng làm nhiệm vụ thi đợt 2, các địa phương đã huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, cán bộ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ; thí sinh vượt đường xa đi thi vững tâm vì có nơi ăn, ở, an toàn trong lúc giãn cách xã hội.

Trước khi thí sinh chuẩn bị vào phòng thi làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT đến động viên thí sinh và kiểm tra khâu cuối cùng của kỳ thi. Ông Nguyễn Văn Mười lưu ý: Đợt thi thứ hai hết sức quan trọng bởi diễn ra ngay lúc dịch Covid-19 tỉnh nhà có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, bảo đảm an toàn được xem là một trong những yếu tố hàng đầu cho đợt thi lần này.

“Mọi hoạt động diễn ra ngay tại điểm thi, phải hết sức thận trọng dù là nhỏ nhất. Mọi người ở điểm thi cần tuân thủ nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chú trọng trong khâu ăn uống và nghỉ ngơi của thí sinh và cán bộ. Một điều không quên là thí sinh cần tuyệt đối tuân thủ nội quy phòng thi…”, ông Mười nhấn mạnh.

Chiều 5/8, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho hay: Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Điểm thi bố trí 5 phòng thi cho 34 thí sinh, thực hiện giãn cách tối đa. Đối với việc ăn, ngủ, nghỉ ngơi cũng đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Mỗi phòng của ký túc xá (KTX) Trường THPT chuyên Tiền Giang bố trí khoảng 3 thí sinh. Việc xét nghiệm Covid-19 cũng được tiến hành trong buổi đầu tiên và xét nghiệm lại một lần nữa trước khi kỳ thi kết thúc...

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh ngoại tỉnh

Dự thi ở đợt 2, 2 thí sinh Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Thị Tú Trinh được Sở GD&ĐT Quảng Trị bố trí xe đưa vào Quảng Ngãi. Đức và Trinh được bố trí ở tại KTX của Trường THPT chuyên Lê Khiết. Các em sẽ dự thi ngay tại điểm thi này.

Ngoài 2 thí sinh từ Quảng Trị, còn có 2 thí sinh của tỉnh Thừa Thiên - Huế và 1 thí sinh của TP Hồ Chí Minh nhưng gia đình đang sinh sống tại Quảng Ngãi cũng dự thi tại đây. Điểm thi Trường THPT chuyên Lê Khiết đồng thời là điểm thi dự phòng dành cho thí sinh thuộc diện F1. Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức ăn, ở, sinh hoạt khép kín, cách ly với bên ngoài cho người làm công tác thi và thí sinh dự thi tại điểm thi này trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Thầy Lê Văn Trung – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, cho biết: Trong 4 thí sinh ở nội trú tại KTX có một em ăn chay nên để phục vụ nấu ăn chung thì rất khó. Vì vậy, bộ phận KTX đã xin danh sách các quán ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để HS lựa chọn món, đăng ký trước với bộ phận quản sinh để nhận suất ăn hàng ngày. Mỗi thí sinh sẽ được bố trí ở một phòng riêng, có công trình vệ sinh khép kín, đầy đủ điện, nước, wifi để các em ôn tập trong những ngày dự thi.

Chia sẻ trước khi đến phòng thi để nghe sinh hoạt nội quy, Quy chế thi, thí sinh Nguyễn Hữu An, thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) cho hay: “Nhờ sự hướng dẫn của lực lượng y tế, em và các bạn đã nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Sau đó được đưa về phòng nghỉ tại KTX của trường. Em và các bạn đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế… giữ đúng khoảng cách khi tiếp xúc, sẵn sàng cho buổi thi đầu tiên”.

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, tỉnh tiếp nhận 2 thí sinh ở tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang được gửi sang dự thi. Các thí sinh này được vào phòng thi dự phòng tại Trường THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú). Trước khi đi thi, thí sinh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi vào tỉnh An Giang.

Trao đổi công tác hỗ trợ thí sinh thi đợt 2, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang thông tin: Các huyện có tổ chức điểm thi cho thí sinh ở huyện khác đã lên phương án hỗ trợ địa điểm ăn, nghỉ cho thí sinh. Đặc biệt đối với thí sinh cư ngụ ở ngoài tỉnh (Đồng Tháp) học tại các trường ở huyện Chợ Mới (An Giang) không thi được ở đợt 1, địa phương tổ chức phương tiện đưa, đón các em từ chốt kiểm dịch huyện Chợ Mới đến địa điểm tập trung thi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.