Thí sinh cần lưu ý trước khi làm bài thi Khoa học Tự nhiên

GD&TĐ - Làm thế nào để lấy điểm bài thi Khoa học Tự nhiên cao đó là câu hỏi mà nhiều thí sinh luôn trăn trở giai đoạn nước rút.

Ảnh minh họa. HN.
Ảnh minh họa. HN.

Dưới đây là những gợi ý mà các giáo viên Hệ thống HOCMAI chia sẻ:

Môn Sinh học

Theo cô Nguyễn Thùy Linh - Tổ Sinh học - thì đưa ra lời khuyên, để làm tốt môn Sinh, các em cần chuẩn bị đầy đủ bút, máy tính trước khi bước vào phòng thi. Khi được phát đề, hãy đọc lướt qua một lượt (khoảng 1-2 phút) cả đề để biết độ dài và độ khó của đề, áng chừng tốc độ làm bài để đáp ứng được đề thi.

Theo đó, kiến thức 30 câu đầu thường ở mức nhận biết - thông hiểu nên các em cần làm nhanh, gạch chân được từ khóa của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài.

Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo. Sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.

Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa.

Lưu ý: Làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề.

Môn Vật lý

Theo cô Thiều Thị Dung - Tổ Khoa học tự nhiên cho biết, thí sinh muốn đạt kết quả tốt khi làm bài thi môn Vật lý thì ngoài việc nắm vững hệ thống kiến thức và thành thạo các kĩ năng làm bài, các em cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có.

Trong quá trình làm bài thi, các em cần lưu ý một số điểm cụ thể như:

Đọc kỹ đề vì nhiều câu hỏi vật lý chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, khi làm xong các phép tính, thí sinh cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.

Nháp thẳng vào đề thi vì để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, các em nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.

Cần phân bổ thời gian hợp lý, số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên thí sinh cần ưu tiên xử lý nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút.

Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Thời gian còn lại thí sinh quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lý trước, câu lạ và khó xử lý sau.

Hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào.

Thí sinh nên có tâm thế thoải mái, không nên áp lực quá. Ảnh HN.

Thí sinh nên có tâm thế thoải mái, không nên áp lực quá. Ảnh HN.

Môn Hóa học

Một trong những môn được thí sinh đánh giá có lượng bài thực hành trong đề thi lớn, thí sinh cần chú ý để không đánh rơi điểm.

Theo như gợi ý của cô Vũ Thị Thùy Dương - Tổ Khoa học Tự nhiên, đối với môn thi này trong quá trình làm bài hãy chọn câu đơn giản (câu 1 – 28) làm trước, câu khó làm sau. Vì mỗi câu hỏi trong đề thi môn Hóa học đều có giá trị 0,25 điểm/câu.

Quá trình làm bài các em cũng nên chọn câu lý thuyết làm trước, câu tính toán làm sau. Vì câu hỏi lý thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán (trừ các câu hỏi lý thuyết thuộc nhóm câu từ 32-40).

Bên cạnh đó nên nháp một cách khoa học (trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng, gọn gàng để dễ dàng xem lại khi cần.

Thí sinh cũng cần đọc kĩ đề, để ý các “bẫy” như: Chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất…

Ngoài ra cần phân phối thời gian làm bài hợp lý.

Với các câu lý thuyết và tính toán đơn giản (khoảng 28-30 câu đầu), đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 15-20 phút).

Với các câu tính toán khó, viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 20-25 phút).

Thí sinh cũng cần dành thời gian 5 phút cuối để kiểm tra lại thông tin họ tên, số báo danh và các đáp án của mình đã khoanh. Không nên chỉ tập trung làm bài mà không dành thời gian kiểm tra lại bài của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ