Thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập

GD&TĐ - Những hiệu quả từ phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của ngành Giáo dục Ninh Thuận.

Đ/c Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Trường ĐH Nông Lâm TP HCM làm việc với Bộ GDĐT vào năm 2021
Đ/c Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Trường ĐH Nông Lâm TP HCM làm việc với Bộ GDĐT vào năm 2021

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua do cấp trên phát động, đặc biệt là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ GD&ĐT phát động đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong công tác quản lý, quản trị trường học, công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; công tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhìn lại kết quả năm học 2021-2022, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch COVID-19 nhưng Ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục của các cấp học được nâng lên, công tác giáo dục mũi nhọn, học sinh giỏi quốc gia đạt nhiều thành tích cao đáng khích lệ. Cuối mỗi năm học, tỷ lệ học sinh xếp loại Năng lực cốt lõi và Phẩm chất chủ yếu đối với học sinh lớp 1, lớp 2 theo Chương trình GDPT mới năm 2018 đánh giá Đạt trở lên chiếm tỷ lệ 97,89%. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp Quốc gia đạt 10 giải, trong đó 3 giải Nhì; 1 giải Ba; 6 giải Khuyến khích. Đặc biệt lần đầu tiên tại Ninh Thuận có 01 học sinh môn Hóa được tuyển chọn tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Quốc tế năm 2022 và 01 học sinh môn Vật lý được chọn tham dự Olympic Vật lý Châu Âu năm 2022. Kết quả tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022 có 5478/5720 thí sinh, đạt tỷ lệ 95,77%, tăng 0,46% so với cùng kỳ.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giao nhiệm vụ đi tiên phong trong toàn tỉnh. Đến nay, hoàn thành việc thiết kế kiến trúc số liên thông trong toàn ngành bằng Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận, đã triển khai được 10 Module từ tháng 02/2022, thu thập, nhập liệu, hoàn chỉnh thông tin định danh cá nhân của học sinh, giáo viên trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo đảm bảo 100% dữ liệu về học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên (từ mầm non đến lớp 12) trên cơ sở dữ liệu ngành được xác thực, định danh, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dạy học gắn với sản xuất - kinh doanh

Dạy học gắn với sản xuất - kinh doanh

Phát huy những kết quả đạt được, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo tại tỉnh, bảo đảm hoàn thành cao nhất những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đề ra.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; kịp thời quán triệt, cụ thể hóa các văn bản pháp luật, các chính sách do trung ương ban hành mới đảm bảo đầy đủ, chính xác, đúng đối tượng, đúng pháp luật; đồng thời, tập trung nghiên cứu, rà soát hệ thống các văn bản các cấp để kịp thời kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập, khó khăn hoặc các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh có hiệu quả.

3. Tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp học và đội ngũ giáo viên; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục, xây dựng cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở các cấp học và trình độ đào tạo, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo nhu cầu xã hội.

4. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, tăng cường hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo và người lao động trong toàn ngành. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục-đào tạo các cấp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh phân cấp gắn với năng lực quản lý, điều hành, quản trị trường học của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy - học; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp học, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học và giáo dục mũi nhọn; thực hiện kỷ cương, nề nếp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo.

5. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa” trong nội bộ;

6. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trường học xanh-sạch-đẹp; phát triển văn hóa học đường; đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện.

7. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và người học, xây dựng các chính sách đặc thù để khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo tâm huyết, gắn bó với ngành, nâng cao chất lượng giáo dục; người học có cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao dân trí, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ