Thêm nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị khám xét

GD&TĐ - Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các trung tâm đăng kiểm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Lực lượng làm nhiệm vụ khám xét Trung tâm Đăng kiểm 29-03S.
Lực lượng làm nhiệm vụ khám xét Trung tâm Đăng kiểm 29-03S.

Ngày 10/1, mở rộng điều tra vụ án môi giới, đưa và nhận hối lộ; giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, lực lượng chức năng đã tiếp tục khám xét thêm nhiều trung tâm có liên quan.

Chặt “vòi bạch tuộc”

Sáng 10/1, hoạt động đăng kiểm xe cơ giới vẫn diễn ra bình thường tại Trung tâm Đăng kiểm 29-03S có địa chỉ số 3, đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, lực lượng cảnh sát xuất hiện và yêu cầu các chủ xe di chuyển xe đi nơi khác để thực thi nhiệm vụ, khám xét. Trung tâm đăng kiểm này sau đó dừng hoạt động.

Chiều 10/1, Công an tỉnh Đồng Nai cũng khám xét Trung tâm Đăng kiểm 60-04D ở TP Biên Hòa. Trung tâm này thuộc Công ty Cổ phần ô tô Quốc Tuấn. Việc khám xét là để phục vụ cho công tác điều tra sau khi phát hiện có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ xảy ra tại cơ sở này.

Theo thông tin ban đầu, sau một thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, Công an tỉnh Đồng Nai xác định, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D có xảy ra tình trạng đưa và nhận hối lộ nhằm mục đích bỏ qua các lỗi trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới.

Ngày 29/12/2022, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã khởi tố vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D và khởi tố 14 bị can.

Theo điều tra, từ năm 2018, Dương Trung Lâm (SN 1980), trú tại phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D; Dương Đình Phú (SN 1985), ở thôn Chi Đống, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là Phó Giám đốc cùng các đăng kiểm viên thống nhất với nhau về việc thu tiền phí “bôi trơn” ngoài phí đăng kiểm và phí đường bộ theo quy định, với số tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/1 xe ô tô đến đăng kiểm, tùy theo mức độ lỗi của mỗi xe.

Khi đi đăng kiểm xe, chủ xe phải chi tiền “bôi trơn” để được “tạo điều kiện” bỏ qua một số lỗi kỹ thuật của xe ô tô, như khí thải không đạt, đèn phanh không sáng…

Thủ đoạn tinh vi

Vụ việc rúng động dư luận này được phanh phui từ một phát hiện rất nhỏ. Đó là Công an TPHCM phát hiện sai số trong dữ liệu đăng kiểm của một chiếc xe tải, sau đó mở rộng điều tra, vạch trần thủ đoạn phi pháp của các trung tâm đăng kiểm.

Ngày 26/10/2022, lực lượng CSGT TPHCM đã chặn dừng xe tải 50H-100.20 trên đường để kiểm tra thành thùng và giấy kiểm định phương tiện. Qua kết quả đo thành thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với sổ giấy kiểm định, khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm Đăng kiểm 62-03D cấp. Quay lại rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm lưu, CSGT phát hiện có sự sai số.

Cụ thể, kết quả đo thùng xe 6.300 x 2.300 x 1.600, còn dữ liệu Cục Đăng kiểm lưu trữ là 6.000 x 2.300 x 920. Như vậy, thùng xe đã được hợp pháp hóa cơi nới 71 cm. Việc cơi nới này mục đích chở thêm hàng hóa.

Qua đó, lực lượng công an nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, nên lấy lời khai tài xế, chủ xe và để làm rõ dấu hiệu sai phạm. Sau đó, CSGT TPHCM phát hiện xe 51D-325.89 cũng thay đổi thông số kỹ thuật. Kết quả xác minh ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện xe này cũng thay đổi như xe 50H-100.20.

Cơ quan điều tra xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải...), nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Mở rộng điều tra, cảnh sát làm rõ 9 trung tâm sai phạm gồm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang) do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (TP Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm Giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là Giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc.

Ngoài ra, ngày 28/12/2022, lực lượng làm nhiệm vụ cũng đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo Công an TPHCM, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng...) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện và do “cò mồi” đưa đến nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các trung tâm đăng kiểm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo quy định, tại mỗi dây chuyền bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, để đối phó, các trung tâm đã sử dụng các nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới.

Với những xe không đủ điều kiện đăng kiểm, xe không đủ điều kiện về độ khói, khí thải, nhóm này sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, cơi nới thùng xe, họ vẫn có thủ thuật để hoàn thành việc đăng kiểm.

Tính đến nay, riêng Công an TPHCM đã ra lệnh khám xét hơn 10 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can với các tội “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “giả mạo trong công tác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ