Thể thao Việt Nam cần chiến lược mang tính đột phá về đầu tư trọng điểm cũng như xoay trục dứt khoát, rõ ràng từ giải đấu khu vực (SEA Games) sang những sân chơi tầm châu lục và thế giới, trọng điểm là ASIAD và Olympic. Nếu không mọi thứ sẽ quá muộn, tồi tệ hơn.
Bài học từ quá khứ
Trắng tay 2 kỳ Olympic liên tiếp, kết quả tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam tụt hậu so với chính các đoàn thể thao Đông Nam Á khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo có lẽ ở mức cấp thiết với những người quản lý ngành Thể thao cùng các bộ phận chuyên môn.
Vấn đề đặt ra lúc này mang tầm vĩ mô, chiến lược phát triển đạt hiệu quả cho cả nền thể thao, có mục tiêu trước mắt cũng như tính toán đầu tư cho tương lai 10, 15, 20 năm tiếp theo chứ không đơn thuần đi vào thực trạng từng bộ môn, phong độ và tâm lý thi đấu của các tuyển thủ rồi tìm giải pháp khắc phục.
Cục Thể dục Thể thao (Bộ VH,TT&DL) đang hoàn thiện Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án).
Sau những kết quả được cho là thất bại ở các sân chơi lớn, ngành Thể thao xác định cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao. Đề án được kỳ vọng sẽ đưa ra các mục tiêu, lộ trình cụ thể cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới tương xứng với vị thế của Việt Nam trong thời gian tới.
Tính toán là thế, song trước tiên, ngành Thể thao trước cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn lại những mục tiêu lớn, cơ bản trong “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” đã được thực hiện như thế nào, cái nào đạt, cái nào không, nguyên nhân vì sao… từ đó mới có thể xây dựng chiến lược mới bám sát đúng thực tiễn thể thao Việt Nam, đồng thời là cơ sở để những người trong ngành hoàn thành mục tiêu.
Tránh tình trạng, nhiều mục tiêu của Đề án chỉ là sự “lặp lại” cơ học của “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”, hoặc đưa ra chỉ làm đẹp về hình thức.
Theo “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” được Chính phủ thông qua với Quyết định số 2198/QĐ-TTG vào năm 2010, mục tiêu của thể thao thành tích cao (Mục 2, Khoản II - Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020), gồm: Giữ vững vị trí trong top 3 của thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games);
Năm 2010: Phấn đấu đạt vị trí 17 - 15 tại ASIAD 16; Năm 2012: Phấn đấu có khoảng 30 vận động viên vượt qua các cuộc thi vòng loại và có Huy chương tại Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 30; Năm 2014: Phấn đấu đạt vị trí 15 - 13 tại ASIAD 17;
Năm 2016: Phấn đấu có khoảng 40 vận động vượt qua các cuộc thi vòng loại và có Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 31; Năm 2018: Phấn đấu đạt vị trí 14 - 12 tại ASIAD 18; Năm 2020: Phấn đấu có khoảng 45 vận động viên vượt qua các cuộc thi vòng loại, có huy chương tại Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 32.
Mục tiêu của thể thao thành tích cao rất rõ ràng, và nên nhớ, mục tiêu này do chính ngành Thể thao đặt ra sau những tính toán về nhân sự, chiến lược đào tạo và chương trình thi đấu.
Tuy nhiên, thể thao Việt Nam không hoàn thành mục tiêu, cũng như sự kỳ vọng. Cụ thể, Olympic London 2012, thể thao Việt Nam có 18 vận động viên vượt qua vòng loại, giành được 1 Huy chương Đồng. Tại Olympic Brazil 2016, 23 vận động viên Việt Nam vượt qua vòng loại, giành 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.
Đến Olympic Tokyo 2020, Việt Nam chỉ có 18 vận động viên vượt qua vòng loại và không giành được huy chương nào. Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam chỉ có 16 vận động viên và tiếp tục ra về tay trắng.
Với ASIAD, tình thế của thể thao Việt Nam cũng không mấy khả quan, thậm chí sa sút nghiêm trọng nếu so với nhiều quốc gia cùng khu vực. Kết thúc giải đấu tại Hàng Châu (Trung Quốc), chúng ta xếp thứ 6 Đông Nam Á và thứ 21 châu Á khi chỉ giành được 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng. Dẫn đầu khu vực là Thái Lan (12 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 32 Huy chương Đồng), đứng thứ 8 châu Á.
Indonesia đứng thứ 2 với 7 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng. Các đoàn thể thao Malaysia, Philippines và Singapore đứng ở các vị trí tiếp theo. Trước đó, tại ASIAD 18 năm 2018, thể thao Việt Nam giành được 4 Huy chương Vàng, xếp thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương, không hoàn thành mục tiêu lọt vào vị trí 14-12.
Vậy những bài học “đắt giá” từ kết quả thể thao thành tích cao không hoàn thành chỉ tiêu là gì? Phải chăng từ thực trạng yếu kém ấy nên đến thời điểm này, mặc dù “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2020” đã kết thúc 4 năm, song “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045” vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện?
Theo thông tin từ Cục Thể dục Thể thao, dự thảo của Đề án đã được các bộ môn và đơn vị chức năng thảo luận, đi đến thống nhất. Lãnh đạo Cục nêu quan điểm, đây là một vấn đề lớn, tầm nhìn chiếc lược và phải được thực hiện cấp bách với mục tiêu hướng tới là tổng hợp được lực lượng tốt nhất tham gia vào các kỳ Đại hội lớn mà gần nhất là ASIAD 2026 và Olympic 2028.
Thế nào là trọng điểm?
Thể thao thành tích cao hiện được vận hành theo Quyết định số 223/QĐ-TTg về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng Thể thao thành tích cao đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, thể thao Việt Nam tập trung vào việc tìm kiếm nhân lực tốt nhất ở các môn thể thao thành tích cao, phân làm 2 nhóm để đầu tư tập huấn, gồm: Tập huấn trong nước (là những vận động viên đạt Huy chương Vàng giải Vô địch trẻ hoặc giải Vô địch quốc gia) và tập huấn nước ngoài (là những vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt Huy chương Vàng tại 2 kỳ SEA Games, châu lục, thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic tùy thuộc đặc điểm từng môn).
Mới đây, tại buổi làm việc về Đề án với các phòng chuyên môn, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao nêu quan điểm, việc xây dựng Đề án cần tập trung vào 3 yếu tố: Các môn trọng điểm, nội dung trọng điểm và con người (vận động viên, huấn luyện viên).
Đây là trách nhiệm của từng bộ môn, từ đó mới định hình được nguồn lực, các tuyến đào tạo, sau đó là phổ biến tới từng địa phương cùng chung tay thực hiện. Thể thao Việt Nam cần chia công tác phát triển các môn trọng điểm thành giai đoạn cụ thể và rõ ràng hơn.
Theo người đứng đầu ngành thể thao, kế hoạch ngắn hạn là tới năm 2030. Theo đó, các môn, các nội dung và số lượng vận động viên chất lượng cao đi tập huấn nước ngoài là những môn nào? Vận động viên nào? mục tiêu thành tích cụ thể ra sao?, sau đó mới đến kế hoạch lâu dài là định hướng tới năm 2045.
Cũng theo ông Đặng Hà Việt, có một thực tế, khi tuyển được vận động viên tài năng, chúng ta đào tạo, huấn luyện như thế nào để phát huy được triệt để khả năng của họ? và có đủ nguồn lực dài hơi để làm điều này không?
Để thể thao Việt Nam đạt được kết quả như mong đợi cần quy hoạch, xác định đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách cần thiết cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới. Vậy nên, Đề án cần được ban hành và triển khai là hết sức cấp bách mang tính chất đột phá.
Đến nay, dựa trên số môn và khả năng thực tế về lực lượng tại các đội tuyển thì thể thao Việt Nam đã hướng vào xác định 3 nhóm môn trọng điểm, hướng đến các sân chơi khác nhau.
Thể thao thành tích cao vẫn được xác định xây dựng lực lượng góp mặt 3 đấu trường quan trọng nhất là: SEA Games (cấp độ Đông Nam Á), ASIAD (cấp độ châu Á) và Olympic (cấp độ thế giới).
Trong đó, thể thao Việt Nam đặt trọng tâm nhóm 1 là nhóm có cơ hội tranh huy chương vàng ở đấu trường ASIAD và huy chương Olympic, gồm: Điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đua thuyền, xe đạp, bắn cung, cầu lông cùng một số hạng cân nhỏ ở môn võ thuật là taekwondo, vật, boxing, judo (đối với nội dung nữ).
Nhìn vào nhóm trọng điểm cho Olympic, có thể thấy đây là những môn thể thao Việt Nam có tuyển thủ dự Olympic Tokyo 2020, Olympic Paris 2024. Vậy nhưng, tại Pháp vừa qua, duy nhất bắn súng là môn có đại diện lọt vào vòng tranh huy chương.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, vòng loại cô đạt 578 điểm, xếp hạng 4/44. Đến vòng chung kết, nữ vận động viên sinh năm 2000 đạt 198,9 điểm, xếp hạng 4/8. Nhưng khoảng cách chuyên môn giữa hạng tư của nữ xạ thủ này với vị trí hạng ba còn rất xa.
Nhóm vận đông viên của các đội tuyển bơi, điền kinh, cử tạ, đua thuyền, xe đạp, bắn cung, cầu lông, judo, boxing không đạt được kết quả tốt nhất, vượt ngưỡng bản thân. Vậy nên, để có lực lượng tốt nhất, cụ thể là huy chương Olympic, thể thao Việt Nam chắc chắn thay đổi cách đầu tư, huấn luyện trong thời gian tới.
Đánh giá về thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, ông Trần Đức Phấn - nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng Cục Thể dục Thể thao (nay là Cục Thể dục Thể thao) cho biết, thành tích tại Pháp phản ánh đúng thực lực, trình độ của các vận động viên Việt Nam.
Mặc dù đã có bước chuyển mình nhưng chúng ta chưa có vận động viên nào đạt đẳng cấp tốp đầu Olympic. Với lực lượng trong giai đoạn hiện nay, đấu trường phù hợp nhất mà thể thao Việt Nam có thể cạnh tranh thứ hạng cao vẫn là SEA Games. Tại sân chơi Olympic, thể thao Việt Nam chỉ xếp hạng 5 hoặc 6 Đông Nam Á. Điều đó chứng tỏ các nước trong khu vực đã chuyển mình rất sớm so với chúng ta.
Theo ông Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam chưa có một giải pháp tốt khi vẫn đang quẩn quanh ở đấu trường khu vực, chưa có sự đột phá quyết liệt để giải quyết vấn đề huy chương ở ASIAD hay Olympic. Để có giải pháp đột phá mới, ngành Thể thao phải xoay chuyển trục từ SEA Games sang ASIAD. Từ ASIAD, chúng ta mới chọn những nhân tố xuất sắc để tiến vào Olympic.
“Muốn thành công, thể thao Việt Nam cần xác định rõ 3 trọng điểm: Môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và vận động viên trọng điểm. Bây giờ cần thêm giải pháp trọng điểm và đột phá, bởi đầu tư cho thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, khoa học, ứng dụng, y sinh học trong thể thao”, ông Phấn cho biết.
Như vậy, nếu xác định rõ nhóm các môn thể thao trọng điểm dành cho ASIAD, Olympic để đầu tư, ngành Thể thao cần tính toán kỹ lưỡng nhất nguồn lực dành cho nó, tránh dàn trải, không đi vào trọng tâm. Cùng với đó, cách thức triển khai cũng như những bài học từ “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” sẽ đóng vai trò quyết định đến thành công.
Trong kế hoạch của Cục Thể dục Thể thao, sẽ có khoảng 30 tuyển thủ xuất sắc nhất được tuyển chọn ra từ các nội dung trong những môn thể thao thuộc nhóm trọng điểm số 1 để nhận sự đầu tư chuyên biệt nhất. Đặc biệt trong đó, các gương mặt này sẽ có cơ hội tập huấn dài hạn ở nước ngoài, hướng tới là nòng cốt tranh Huy chương Vàng ở các kỳ ASIAD tiếp theo và tranh huy chương Olympic.