Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viên chức. Việc tách nhóm viên chức ra khỏi nhóm cán bộ, công chức sẽ là cơ sở góp phần hoàn thiện các cơ chế quản lý, chính sách đối với đội ngũ viên chức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), ở nước ta hiện nay, các đơn vị sự nghiệp được tổ chức rất đa dạng. Đang tồn tại nhiều loại hình đơn vị sự nghiệp với cách thức tổ chức và quản lý khác nhau, trong đó cơ chế cơ quan chủ quản vẫn đang chi phối mạnh đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong khi đó, vấn đề sử dụng, quản lý nguồn nhân lực luôn gắn với vấn đề tổ chức bộ máy. Nếu chưa phân biệt rạch ròi cơ quan công quyền với đơn vị sự nghiệp; chưa tổng kết, xác định được mô hình tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập mà quy định về đội ngũ làm việc trong các đơn vị này thì sẽ khó trong quá trình thực hiện Luật.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị, trong quá trình xây dựng dự án Luật Viên chức nên có sự tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức, quy mô, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó, có những quy định định hướng cho việc tổ chức, phương hướng sắp xếp, quản lý đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, khái niệm viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng, gắn với vị trí việc làm và chuyên môn nghiệp vụ, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật là chưa chính xác. Các tiêu chí để xác định thế nào là viên chức chưa bao quát hết các đối tượng cần điều chỉnh. Vì nếu theo quy định này thì những đối tượng được tuyển dụng vào biên chế trước ngày 1/7/2003 sẽ không được xem là viên chức vì chưa thực hiện hợp đồng lao động. Những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn tự chủ về tài chính thì có phải là viên chức hay không?
Ở góc nhìn khác, các đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Sen (đoàn Lạng Sơn), Lê Hồng Sơn (đoàn Thanh Hóa) băn khoăn, trường hợp viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập và trở thành công chức theo Luật Cán bộ, công chức thì có phải thi tuyển hay không? Khi không làm lãnh đạo, quản lý nữa thì những người này vẫn tiếp tục được xem là công chức hay quay lại làm viên chức?... Đây là những câu hỏi đã được đặt ra trong thực tế quản lý, sử dụng viên chức thời gian qua. Dự thảo Luật cần làm rõ những vấn đề này để bảo đảm sự liên thông trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức.
Các đại biểu Quốc hội còn có quan điểm khác nhau về việc kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức. Theo đại biểu Trịnh Thị Giới (đoàn Thanh Hóa), bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, khi đến tuổi nghỉ hưu và đã bảo đảm các điều kiện về bảo hiểm xã hội thì viên chức có quyền nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí. Hơn nữa, Nghị định 71 của Chính phủ cũng đã có quy định về việc kéo dài thời gian làm việc của viên chức. Trường hợp muốn phát huy sự đóng góp của các viên chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn... thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí có thể ký hợp đồng lao động có thời hạn hoặc hợp đồng vụ việc với các đối tượng này. Do đó không nên quy định trong dự thảo Luật.
Một số đại biểu Quốc hội tán thành quy định này thì cho rằng, mặc dù đã có Nghị định 71 của Chính phủ nhưng dự thảo Luật vẫn cần quy định rõ hơn và chặt chẽ hơn những đối tượng viên chức nào thì được kéo dài thời gian làm việc.
Quang Anh