Những câu nói “vu vơ” đánh giá về một đứa trẻ dựa trên hoàn cảnh gia đình có thể để lại những vết thương khó lành. Trẻ lớn lên trong gia đình có điều kiện thường nỗ lực để chứng minh rằng mình có thể thành công mà không cần “nấp sau bóng” cha mẹ. Trong khi đó, những trẻ có hoàn cảnh khó khăn thường vươn lên không ngừng để thay đổi vận mệnh.
Định kiến
Khi đứng trước cổng trường tại một số thành phố lớn, không ít người dễ dàng bắt gặp những nhóm học sinh được đưa đón bằng “xế” sang. Đi kèm theo đó là những “phụ kiện” tiền triệu, nào điện thoại xịn, giày, dép hàng hiệu... Thậm chí, việc chứng kiến nhiều nhóm học sinh “túm tụm” tại những quán cà phê sau giờ học cũng không phải là điều xa lạ.
Các chuyên gia cho rằng, lối sống xa hoa của một số học sinh con nhà giàu không chỉ tạo khoảng cách với các bạn cùng lớp. Lối sống đó còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển nhân cách, đặc biệt là khi các em đang ở lứa tuổi dần hoàn thiện chính mình.
Tuy nhiên, thực tế không phải cứ con nhà giàu là sẽ “ăn chơi, đua đòi”. Nguyễn Ngọc Mai Linh - nữ sinh Trường Quốc tế Hanoi Academy chia sẻ: “Ở mỗi vị trí, con người chúng ta đều phải gánh trên vai những áp lực riêng và bọn em cũng thế… Áp lực lớn nhất đối với những đứa trẻ đang tập làm người lớn như bọn em chính là những lời đánh giá. Người ta đánh giá rằng, bọn em “học trường con nhà giàu” thì chỉ điệu đà, hằng ngày diện những bộ cánh đẹp, ăn những món ngon, ở những nơi sang trọng. Bởi, sinh ra ở vạch đích rồi thì cần gì cố gắng nữa?”.
Nữ sinh này tâm sự, đôi lúc, cô cảm thấy mệt mỏi trước những lời đánh giá. Nhiều người vẫn có thói quen “bĩu môi” khi nhìn thấy những học sinh “ngậm thìa vàng”. Không thể phủ nhận rằng, những học sinh này có thể được tạo cơ hội tốt để thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, điều quan trọng là, để ước mơ thành thực, họ cũng đã phải nỗ lực, thay vì ngồi yên chờ thành công tới.
“Học tại một ngôi trường song ngữ đồng nghĩa với việc chúng em phải theo cả chương trình Việt Nam và quốc tế với khối lượng kiến thức khá lớn, cùng với những dự án học tập luôn đòi hỏi bảo đảm đúng hạn nộp. Nếu bản thân không có kỷ luật và cố gắng, không thể hoàn thành tốt chương trình học”, Linh chia sẻ.
Con nhà giàu từ lâu đã được mặc định là những đứa trẻ hư, ỷ lại, lười, không có ý chí phấn đấu và khó thành đạt. Thực tế, đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả là cơ sở, tiền đề tạo ra môi trường giáo dục trẻ một cách thuận lợi và hiệu quả. Điều kiện kinh tế đóng vai trò lớn trong việc chắp cánh cho mọi ước mơ vươn tới tầm cao của tri thức. Đồng thời, là tiền đề giúp trẻ có một nền tảng vững chắc ở bước đầu khởi nghiệp sau này.
Một nghiên cứu tại Mỹ từng chỉ ra rằng, sợ hãi và chấp nhận rủi ro được xem là hành vi ở những người lớn lên trong gia đình có điều kiện. Trái lại, người lớn lên trong gia đình không được dạy về sử dụng tiền sẽ không thể học cách chấp nhận rủi ro với số tiền họ đang có.
“Thu mình” trong dè bỉu
Trong khi đó, hình ảnh, hay những câu chuyện về trẻ nghèo ham học có lẽ cũng không còn xa lạ. Tấm gương nghèo vượt khó thường xuyên được chia sẻ, lan toả những thông điệp về sự thành công đến từ nỗ lực. Song, không ít trẻ lớn lên trong gia đình nghèo khó dần thu mình. Các em ngày càng biến thành người tự ti bởi sự xa lánh, phân biệt.
Hầu hết ý kiến cho rằng, trẻ em kết bạn với nhau rất nhanh, chúng vô tư và không để ý đến khoảng cách giàu - nghèo. Thực tế, trẻ chính là nhóm nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Khi nhìn thấy những món đồ đẹp, lộng lẫy hơn của bạn, trẻ sẽ không thể tránh khỏi cảm giác tự ti, buồn bã.
“Nhà đứa A/đứa B nghèo lắm, không hợp chơi với mình đâu”; “Đừng chơi với cái A, nó nghèo như vậy rồi sẽ có lúc vay tiền mình”... và vô vàn những câu nói mang định kiến khác. Chúng vô tình cứa vào vết thương lòng của trẻ. Dần dà, đứa trẻ như vậy sẽ tự nhốt mình trong những bức tường chúng dựng lên.
Trên thế giới hiện nay, đặc biệt là tại Anh và Mỹ, một trong những vấn đề đáng báo động ở trường là tỷ lệ trẻ em nghèo bỏ học ngày càng cao. Các em sa đà vào tệ nạn, trở thành kẻ phạm tội do bị ảnh hưởng bởi tâm lý tự ti, mặc cảm khi học chung với bạn cùng lứa giàu có.
TS Giáo dục Nguyễn Phương Chi - hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ, mọi người không nên chỉ ngồi một chỗ và than phiền về bất công xã hội. Thay vào đó, hãy hành động.
“Hiểu được sự bất công của xã hội và điểm hạn chế của giáo dục là một chuyện, nhưng hành động để tự mình thay đổi vận mệnh là một bước đi khác hẳn. Trong những năm nghiên cứu giáo dục, điều lớn nhất tôi học được là để có thể “thắng” được sự áp đặt từ giai tầng xã hội, phải nỗ lực không ngừng. Càng ở xuất phát điểm thấp, càng cần phải học tập và làm việc hơn gấp đôi, gấp ba người khác để đạt được thành công mình mong muốn, đặc biệt trong những năm đầu sự nghiệp”, nữ chuyên gia nhắn nhủ.
Bởi, theo TS Chi, nếu chỉ than vãn về sự bất công, chúng ta cũng vô hình chung tiếp tay cho sự bất công đó tiếp tục xảy đến. Thay vào đó, hãy trở thành người tự cứu mình trước. Bên cạnh đó, “chọn bạn mà chơi” cũng là một yếu tố cần thiết. Theo TS Nguyễn Phương Chi, xuất phát điểm thấp dễ đi kèm với hoàn cảnh sống tiêu cực, những mối quan hệ xấu và khả năng mắc sai lầm cao khi còn trẻ.
“Bởi vậy, hãy thực sự dành thời gian để chọn lựa bạn bè, đừng ngại cắt bỏ những mối quan hệ “ung nhọt” khiến mình thụt lùi trong cuộc sống và nên gắn kết với những người mang lại ảnh hưởng tốt, nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình”, nữ chuyên gia cho biết.
Bất cứ ai cũng không nhất thiết phải chơi với người ở giai tầng xã hội cao hơn để vươn lên. Thay vào đó, nên gắn với những người có tâm, có tầm, có tài để dẫn dắt ta vượt qua những giai đoạn khó khăn, soi sáng khi bản thân mất phương hướng.
“Nhà đầu tư” thông thái
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, đa số trong các gia đình Việt, những thứ được ưu tiên đầu tiên khi tiết kiệm tiền là để đổi xe máy khác, mua ô tô, sắm sửa những đồ tiện nghi hoặc đắt tiền trong nhà. Sau đó là tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt để đầu tư vào những thứ khác nhằm phòng thân. Đồng thời, nhiều cha mẹ “dành dụm” tiền để cho con sau này. Tuy nhiên, nữ chuyên gia này nhấn mạnh, hãy cân nhắc đầu tư vào vật chất một cách vừa đủ.
“Tại sao các cha mẹ không nghĩ rằng, khoản đầu tư tốt nhất là vào con? Đó là trí tuệ, tinh thần và thể chất giúp con phát triển toàn diện. Đó mới là kênh sinh lời tuyệt vời và trọn vẹn nhất! Cha mẹ không nên quan niệm để lại tiền và tài sản cho con được sung sướng. Hãy cho con sự học, kiến thức chuyên môn, kiến thức cuộc sống, kỹ năng tư duy nhận thức, nhân cách tích cực, tinh thần tích cực, tính bản lĩnh và sự dẻo dai, bền bỉ trong cuộc sống”, bà Phạm Hiền cho biết.
Nữ chuyên gia này nhận định, nếu ưu tiên bỏ ra cho con 1 đồng, trẻ sẽ tự kiếm được gấp 10, 100 hay 1.000 lần giá trị bỏ ra. Vì vậy, phụ huynh không nên nghĩ rằng, nếu nghèo thì lấy gì để đầu tư. Bởi, nghèo cũng có thể có ít nhất 1 đồng để đầu tư cho con theo kiểu 1 đồng.
“Tiền bạc là điều không thể thiếu cho cuộc sống, nhưng không phải là tất cả. Có thể, gia đình khác có ô tô để đi, nhưng gia đình mình chỉ có xe máy. Hãy tạm bằng lòng và đầu tư nhiều hơn cho con học, dành nhiều thời gian cho trẻ. Đó chính là “kênh sinh lời tuyệt vời và trọn vẹn nhất”. Sự phát triển toàn diện của con chính là điều mà tất cả các cha mẹ mong muốn. Vậy, đừng quá chú trọng vào vật chất. Bởi, con cần ở cha mẹ sự quan tâm và yêu thương”, bà Phạm Hiền nhấn mạnh.