Thế hệ trẻ Việt Nam phải là người định hình tương lai đất nước
Anh Tú
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Đó là điều Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắn gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam tại lễ khai giảng năm học 2020-2021 của ĐHQG TP.HCM hôm nay (3/10).
Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ khai giảng
Với chủ đề "Tiên phong-dẫn dắt- nâng tầm quốc tế", lễ khai giảng năm học 2020-2021 đã thật sự mang lại cho sinh viên ĐHQG TP.HCM nhiều cảm xúc.
Phát biểu và chia sẻ với sinh viên ĐHQG TP.HCM, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong hội nhập quốc tế rằng: Thế hệ trẻ, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam, đang có nhiều vận hội, lựa chọn, thuận lợi chưa từng có.
Phó Thủ tướng phân tích, thế giới hiện có khoảng 1,8 tỉ thanh niên, là số lượng thanh niên đông đảo nhất lịch sử. Trong khu vực Đông Nam Á, 65% dân số dưới 35 tuổi. Nước ta là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới và đang ở thời kỳ dân số vàng, chưa bao giờ chúng ta có lực lượng thanh niên đông đảo như hiện nay, với 24 triệu thanh niên trong và ngoài nước.
Có thể nói, kỷ nguyên số là kỷ nguyên của tuổi trẻ. Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế, tầng lớp thanh niên đang và sẽ hưởng thụ những cơ hội, lợi ích ngay khi các xu thế mới, những dịch chuyển lớn trên toàn cầu diễn ra.
Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn thế hệ trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành thế hệ công dân Việt Nam đầy đủ tri thức, hoài bão và trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
"Trước hết, thời đại ngày nay và thời kỳ phát triển mới đòi hỏi thanh niên, đặc biệt các sinh viên ĐH, không chỉ là "chủ nhân tương lai" mà phải là "người định hình tương lai của đất nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: trong những năm qua hội nhập về giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng giúp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, so với các nước trong khu vực, mức độ công nhận của quốc tế về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, bằng cấp, các sản phẩm khoa học công nghệ còn khiêm tốn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, đã và đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với giáo dục đại học, để phát triển tốt cần thực hiện tốt 4 mục tiêu.
Một là nhu cầu tất yếu phải gắn nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai là đòn bẩy để tạo chuyển biến căn bản là chú trọng phát triển toàn diện thế hệ trẻ trên cả 3 phương diện: kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, hình thành và nuôi dưỡng xã hội học tập mở, học tập suốt đời.
Theo đó, cần trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất cần có của thế hệ trẻ Việt thời kỳ hội nhập để trở thành công dân toàn cầu, công dân ASEAN. Đó là lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm và đam mê, trí thức chuyên môn, ngoại ngữ và hiểu biết pháp luật, xã hội, văn hóa trong và ngoài nước; các kỹ năng công nghệ, kỹ năng nghề và cả kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, ứng xử văn hóa, văn minh; tác phong làm việc hiện đại, kỷ cương, chuyên nghiệp; nâng cao thể chất,...
Ba là cần tiếp tục tranh thủ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết giáo dục đại học với các nước trên nền tảng công nghệ số, chủ động tiếp thu và nâng cao nội lực phù hợp với tiêu chí, chuẩn mực chung.
Bốn là có cách tiếp cận mới về phát triển nguồn nhân lực trẻ một cách dài hạn, đa chiều, đa ngành, nhằm thu hút được các đối tác tham gia công tác giáo dục đại học. Kinh nghiệm một số nước là đẩy mạnh phối hợp "bộ tứ" giữa các cơ quan nhà nước với các trung tâm đào tạo, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn trong hình thành, triển khai chính sách kế hoạch đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu của thị trường, xã hội và yêu cầu mới về phát triển.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - Mỹ và đồng minh đã dành nhiều tháng để tranh luận về việc có nên cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do NATO cung cấp để nhắm vào Nga hay không.