Thành phố thế vận hội trước “sóng thần” Covid-19

GD&TĐ - Các bệnh viện tại Osaka, thành phố lớn thứ ba tại Nhật Bản, đang phải chống chọi với làn sóng Covid-19 mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi tình trạng thiếu hụt giường bệnh và máy thở trong các bệnh viện gia tăng, chuyên gia cảnh báo hệ thống y tế cả nước có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nhật Bản cho đến nay vẫn kiểm soát đại dịch tốt so với nhiều quốc gia tiên tiến khác. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 tấn công thành phố Osaka vào đầu tháng này giống như cơn sóng thần đổ ụp lên hệ thống y tế.

Tính đến ngày 24/5, Nhật Bản ghi nhận hơn 704.000 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó hơn 12.000 người chết. Ngày 20/5, Osaka có thêm gần 3.900 ca nhiễm mới, gấp 5 lần so với ba tháng trước.

Khoảng 35.000 người nhiễm bệnh phải cách ly tại nhà và tự điều trị. Họ có thể chuyển nặng và tử vong trước khi được nhập viện.

Chỉ 14% trong số gần 13.800 bệnh nhân Covid-19 tại Osaka được phép nhập viện điều trị. Con số này quá thấp so với tỷ lệ nhập viện tại thủ đô Tokyo là 37%. Chính phủ Nhật Bản đã ra quy định địa phương nào có tỷ lệ nhập viện dưới ngưỡng 25% cần kích hoạt tình trạng khẩn cấp.

Số ca nhiễm tăng khiến hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại Osaka bị đình trệ, quá tải, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực. Tình trạng tương tự lan rộng sang nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Tokyo, Hokkaido, Aichi, Fukuoka.

Người dân chỉ trích giới chức đã dỡ lệnh phong tỏa quá sớm, chủ quan khi Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại và tràn lan khắp châu Á.

Tình trạng khó khăn hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ liệu Thế vận hội Olympic có thể diễn ra an toàn vào tháng 7 hay không? Thậm chí không ít người dân đã lên tiếng phản đối, kêu gọi chính phủ hủy bỏ sự kiện.

Trong khi Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định Nhật Bản vẫn tổ chức Olympic theo kế hoạch. Thông báo này khiến người dân dần mất đi sự tín nhiệm với chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga.

Nhiều chuyên gia y tế cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe không đủ để đáp ứng Olympic vì các y bác sĩ vẫn phải làm việc ngày đêm để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Tại Nhật Bản, chỉ các bệnh viện công, chiếm 1/5 số lượng bệnh viện trên toàn quốc, được phép điều trị Covid-19 do bệnh viện tư không đủ trang thiết bị. Trong khi đó, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cấp quốc gia diễn ra chậm chạp với dưới 2% dân số đã hoàn thành 2 mũi vắc-xin.

Dù vậy, Nhật Bản còn tiếp tục đối mặt với một vấn đề khác là giữ chân các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Kết quả cuộc khảo sát được công bố ngày 24/5 cho thấy, hơn 1/2 y tá làm việc tại các bệnh viện điều trị Covid-19 đã nghĩ đến việc bỏ việc vì phải làm việc quá sức.

Trước tình hình trên, giới chức Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực xoay chuyển tình thế. Ngày 24/5, nguồn tin cho biết Chính phủ Nhật Bản dự kiến mở rộng tình trạng khẩn cấp do Covid-19 tại các thành phố, bao gồm thủ đô Tokyo.

Ngoài ra, hai trung tâm tiêm chủng Covid-19 quốc gia đã được khai trương tại Tokyo và Osaka, đánh dấu nỗ lực xúc tiến chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ 36 triệu cư dân Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên vào cuối tháng 7.

Hai cơ sở mới đi vào hoạt động ước tính có thể thực hiện 15.000 mũi tiêm mỗi ngày được kỳ vọng sẽ góp phần chuẩn bị tốt nhất cho Thế vận hội Olympic sắp diễn ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.