Donald Trump thăm Anh: Rượu ngọt Hoàng gia, tiếng la dân chúng

GD&TĐ - Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, ngoài các nghi lễ hoành tráng bên bờ sông Thames, nơi Hoàng gia và các quan chức Anh nghênh tiếp Tổng thống Mỹ thì ngoài đường phố London, các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ cũng chờ đón ông Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nữ hoàng Anh trong bữa tiệc Hoàng gia
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nữ hoàng Anh trong bữa tiệc Hoàng gia

Nước Anh đón Trump giữa bộn bề thế sự

Chuyến thăm chính thức nước Anh của ông Donald Trump kéo dài từ ngày 3 - 5/6. Trong lịch sử nước Anh, chuyến thăm của ông Trump có thể sẽ trở thành chuyến thăm cấp nhà nước phi truyền thống nhất, bởi chỉ còn mấy ngày nữa là bà Theresa May chính thức rời khỏi số 10 phố Downing. Và tuần tới, chiến dịch lựa chọn người kế vị Thủ tướng Theresa May sẽ bắt đầu.

“Đây là một tuần quan trọng đối với quan hệ đặc biệt giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, mở ra khả năng tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chặt chẽ của chúng tôi” - Thủ tướng Theresa May nhận định. Cũng theo lời bà May, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ là những nhà đầu tư lớn nhất trong các nền kinh tế của nhau và mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ của họ góp phần tạo ra việc làm; gia tăng thịnh vượng của công dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Vài phút trước khi lên máy bay sang Anh, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter của mình rằng: “Tôi nóng lòng chờ đợi giờ phút trở thành người bạn lớn của Vương quốc Anh”. Tuy nhiên, không phải tất cả người Anh cũng nóng lòng chờ đợi, ông Donald Trump.

Theo YouGov, 54% người dân London đã chống lại chuyến thăm của ông Trump, chỉ có 24% ủng hộ. Trên toàn lãnh thổ nước Anh, kết quả thăm dò có một số khác biệt, nhưng không có nghĩa là có lợi cho nhà lãnh đạo Mỹ: 46% chống, 40% hoan nghênh.

Những người dân Anh không hoan nghênh vị khách quý của Hoàng gia đến từ nước Mỹ đã nghĩ ra đủ cách để phản đối. Đáng chú ý nhất là hình nộm “bé Trump” cao tới 6m được thả lên không trung trước tòa nhà Quốc hội Anh để “chào đón Tổng thống Mỹ” khi ông tới hội đàm với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Theresa May. Đặc biệt hơn, vào tối 3/6, khi ông Trump đang ngây ngất tận hưởng quốc yến của Nữ hoàng ở điện Buckingham (quốc yến được người Anh chuẩn bị trong 6 tháng trời) thì một hình ảnh lớn được chiếu lên tháp London với một bên là cựu Tổng thống Barack Obama hoàn toàn tự tin với 72% ủng hộ, còn bên cạnh là Donald Trump với gương mặt cau có và con số ủng hộ chỉ vẻn vẹn 21%.

Trên đường phố London, các cuộc biểu tình phản đối các chính sách của ông Trump diễn ra rầm rộ. Vào tối 3/6, khi trực thăng chở Tổng thống Mỹ và phu nhân tới điện Buckingham thì đoàn người biểu tình dàn hàng trước cổng với các biểu ngữ phản đối trên tay.

Ngoài ra, hơn 2 triệu chữ ký phản đối ông Trump tới nước Anh và hàng loạt nghị sĩ đề nghị không cho Tổng thống Mỹ đăng đàn trước quốc hội nước này cũng là những điểm nhấn đậm nét về thái độ của người Anh.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 20 nghìn cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ chuyến công du nước Anh của ông Trump, chi phí này lên tới 18 triệu bảng.

Nước Anh - nền tảng chính sách châu Âu của Trump

Ông Donald Trump coi Vương quốc Anh là nền tảng trong chính sách châu Âu của mình, mặc dù ông không thích cách các chính trị gia ở đó cư xử khi quyết định rời Liên minh châu Âu và cách tiến hành thủ tục này. Ngoài ra, Thủ tướng Anh Theresa May đã từ chức (bà sẽ ở lại nơi làm việc để tiếp Tổng thống Mỹ thêm vài ngày nữa) và bây giờ chính quyền Mỹ cần khẩn trương xây dựng những cây cầu cá nhân với người kế nhiệm ở số 10 phố Downing.

Người đứng đầu ngành hội nhập chính trị châu Âu mang tên Primakov của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Serge Utkin cho rằng chuyến thăm của ông Trump có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn người kế nhiệm bà Theresa May. Có một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt trong Đảng Bảo thủ - ông Utkin trả lời phỏng vấn tờ Nezavisimaya Gazeta.

Ông Utkin không tin rằng ý kiến của ông Trump sẽ quyết định trong việc xác định Thủ tướng mới. Vai trò chính ở đây có nhiều khả năng sẽ được thực hiện ở mức độ hỗ trợ đối với ứng viên này hoặc ứng cử viên kia trong phe bảo thủ. Theo ông Utkin, những tác động nhất định của ông Trump là các vấn đề liên quan đến quan hệ Anh - Mỹ trong trong lĩnh vực thương mại.

Cũng theo lời ông Utkin thì ông Trump đã đưa ra những tuyên bố khá táo bạo rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể bù đắp cho Vương quốc Anh những tổn thất mà nó có thể phải gánh chịu do những thay đổi trong quan hệ thương mại với EU hậu Brexit.

Câu chuyện này sẽ là nền tảng để Trump chèo kéo London tham gia tẩy chay Huawei khi công ty này đang chuẩn bị đổ bộ vào lục địa già.

Ông Matthew Cole, Giáo sư lịch sử tại Đại học Birmingham cho rằng, khó có thể đoán được ông Trump ủng hộ ai (Nigel Farage hay Boris Johnson) làm Thủ tướng ở Anh sắp tới bởi tính cách thất thường của ông. Trong khi đó, phiên bản tiếng Đức của Handelsblatt tin rằng ông Johnson nên cẩn thận với người đứng đầu Nhà Trắng và cảnh báo rằng một mối quan hệ chặt chẽ với ông ta có thể trở thành trò đùa tồi tệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ