Thế giới của “Hương thơm và mật đắng” trong Đây thôn Vĩ Dạ

Thế giới của “Hương thơm  và mật đắng” trong Đây thôn Vĩ Dạ

Hương thơm cuộc sống

Bức bưu thiếp xã giao của người con gái mang tên một loài hoa đã trở thành chất xúc tác làm đột khởi trái tim chàng thi sĩ trong rèm lạnh ấy không thể mãi còn băng giá nữa. Từng mảnh vỡ của tảng băng bắt đầu rạn nứt để người thi sĩ ấy ngước mắt nhìn ra thế giới ngoài kia:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Âm thanh của câu hỏi ở câu thơ đầu tiên vang lên như một lời thổn thức làm ngân lên trong ta một nỗi niềm bâng khuâng, xúc động mơ hồ. Câu hỏi ấy vọng lên với nhiều sắc thái: Một lời mời gọi và cũng có thể là một lời trách cứ nhẹ nhàng thoảng qua của một ai đó ngoài kia. Nhưng tôi tin nhiều hơn đó là một lời tự nhắc mình. Mời gọi hay trách cứ thì không đủ sức nặng bởi cái khao khát “muốn ôm hồn cúc ở trong sương” ấy chỉ xuất phát từ đơn phương ở thế giới trong này. Lời tự nhắc mình mới phù hợp với trạng huống lúc này của Hàn Mặc Tử. Cái thế giới ngoài kia gần lắm mà sao lúc này với Hàn, nó lại xa xôi, diệu vợi đến thế. Nhưng dẫu có xa xôi, diệu vợi đến thế nào đi chăng nữa thì với Hàn Mặc Tử, đó vẫn là một thế giới tuyệt mĩ của bản hòa tấu màu sắc và ánh sáng:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Ánh nắng, hàng cau, khu vườn, tất cả đều mang vẻ đẹp của cái thuở ban đầu đầy lưu luyến. Nắng là nắng mới, hàng cau và khu vườn cũng được phối lên màu của sắc nắng tinh khôi, trong trẻo. Cả khu vườn thôn Vĩ là một sự phản hồi bức tranh của cuộc sống ngoài kia tràn trề sinh lực, tươi mới ánh sáng và tinh khiết sắc màu. Hình ảnh lá trúc và khuôn mặt phúc hậu tự thân nó hoàn thiện cho bức tranh về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người xứ Huế vọng về trong dòng tâm tư bất định của Hàn Mặc Tử. Bởi thế, Hàn Mặc Tử tự nhắn nhủ với lòng mình: Thế giới ngoài kia đang dần xa tầm với; chỉ có cái trong này là hiện hữu. Nhắn nhủ thế nhưng vẫn cứ lưu luyến, cứ níu kéo trong nỗi niềm lo âu đến thảng thốt để kết thành những vần thơ đẹp mà buồn:

Thế giới của “Hương thơm  và mật đắng” trong Đây thôn Vĩ Dạ ảnh 1
Nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Mật đắng chia ly

Chiếc lá trúc nhỏ bé, thanh mảnh ở cuối khổ thơ đầu tiên không chỉ che ngang khuôn mặt chữ điền phúc hậu mà dường như với Hàn Mặc Tử, nó mang một sứ mệnh lớn lao hơn, ám ảnh hơn, tê buốt hơn - trở thành bức tường ngăn cách giữa hai thế giới trong cùng một con người.

Mỏng manh như lá trúc, vậy mà ngoài kia là âm thanh, là ánh sáng, là tinh khôi, là sự khởi đầu; còn trong này là tịch mịch, là cô liêu, là hoang vắng, là sự sống đang bước những bước cuối cùng. Thực và mộng, thực và hư đan xen, kết nối để hình thành nên một thế giới hư ảo, mông lung, bất định:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Đọc khổ thơ này, tôi cứ hình dung Hàn đang là một họa sĩ vẽ lên trời mây xứ Huế một bức tranh đẹp tuyệt mĩ bằng ngôn từ. Có gió mây hiu hiu thổi làm lay nhẹ những vườn hoa bắp bên bãi bồi phù sa của một dòng sông phẳng lặng, dùng dằng không chảy, cơ hồ là một mặt hồ yên tĩnh. Tất cả được đặt trong một đêm trăng với một con thuyền nằm mặt nước sông trôi. Trăng rắc bụi trên sông và sông gợn biết bao nhiêu vàng. Trăng đong đầy trên con thuyền nằm im lìm trên bến. Cảnh thì đẹp nhưng sao xa vắng quá!

Cái cảm giác xa vắng và mơ hồ buồn ấy xuất hiện từ những sự trái ngược, từ sự tịch mịch, cô liêu. Gió mây tan tác, chia lìa; dòng sông phó mặc cho dòng đời đưa đẩy; dáng lay vu vơ của bông hoa bắp chỉ điểm xuyết thêm vào bức tranh phong cảnh kia nỗi hiu hắt bâng khuâng. Tê buốt hơn, nhà thơ đang cố hết sức để níu kéo cuộc đời về phía mình nhưng tất thảy đều vô vọng. Hoa bắp lay hay bàn tay Hàn đang vẫy gọi?

Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối khổ thơ có lẽ đã ẩn chứa câu trả lời: Bàn tay càng cố níu kéo thì cảnh vật lại càng lùi xa, lùi xa trong cái chới với đầy xót xa của thi sĩ họ Hàn:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Sắc nắng tinh khôi của buổi sáng bình minh nhanh chóng chuyển dần sang cái hư ảo, huyền hồ của ánh trăng nhưng giờ đây cũng đã không còn. Hàn dường như đã tự nhận thức được, tất cả khát vọng níu kéo cuộc sống đang diễn ra tươi đẹp ngoài kia chẳng qua cũng chỉ là một giấc chiêm bao. Và dẫu có mơ, Hàn cũng chỉ dám mơ một khách đường xa với sắc áo trắng; mơ một bóng hình ai đó mờ mờ trong khói sương huyền hoặc, đơn giản, nhỏ nhoi đến độ xa xót! Và cũng chỉ có thế, Hàn lại quay trở về với thế giới hoang lạnh của riêng mình.

Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài thơ cũng là sự níu kéo cuối cùng của một nhà thơ bất hạnh. Cái đáng quý, đáng trân trọng cũng như cái đau đớn và bất hạnh của một kiếp người tài hoa có lẽ đều tập trung tất cả ở tâm thế và khát vọng sống ấy của nhà thơ Hàn Mặc Tử!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.