Tuy nhiên, những lỗ hổng trong khâu tổ chức và các sự cố trong đêm thi đã khiến sức hút của chương trình bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nói cách khác, đêm 27/8, chương trình The Face - Gương mặt thương hiệu chính thức khép màn, người xem hoàn toàn không cảm nhận được yếu tố kịch tính, hấp dẫn mà chương trình mang lại. Nhiều khán giả nhận xét, 100 phút của đêm chung kết trôi qua nhạt nhoà, lê thê với những màn tâm sự của từ thí sinh, huấn luyện viên đến nhà tài trợ.
Ghế nóng bị... "nguội"
Đêm Chung kết The Face 2017 không chỉ làm khán giả truyền hình, khán giả đến xem trực tiếp cảm thất thất vọng mà còn khiến giới truyền thông phẫn nộ. Giây phút hồi hộp nhất chương trình khi MC công bố người giành giải nhất lại biến thành tiếng thở dài ngao ngán. Có thể khẳng định, Tú Hảo được xướng danh quán quân chỉ nhờ vào lượt bình chọn. Nhiều khán giả thậm chí còn thẳng thắn bày tỏ, The Face nên đổi tên thành "The Vote", bởi "Kết quả đêm chung kết phụ thuộc hết vào khán giả thì còn bắt thí sinh thực hiện thử thách làm gì?", và ban giám khảo - những người ngồi ghế nóng được mời đến chỉ để... ngắm thí sinh?
Một chương trình mà phiếu bầu hoàn toàn trao về tay khán giả, chỉ với một cú click chuột, một tin nhắn đơn giản nhưng vẫn tìm được quán quân, vậy tại sao phải phát sóng trực tiếp thay cho việc quay dựng bình thường, kêu gọi bình chọn và chờ một tuần sau công bố người chiến thắng? Đó là chưa kể yếu tố minh bạch cũng là điều làm người xem lo ngại về cách công bố này. Không một ai có thể hình dung, kiểm soát được lượt bình chọn, thứ dễ dàng bị chi phối từ nhà sản xuất.
Nổi tiếng và đạt được không ít thành công sau mùa một, Lan Khuê chính là HLV sở hữu lượng fan đông nhất. Cộng với việc Tú Hảo từng là hot girl lừng danh với hơn 200.000 lượt theo trên mạng xã hội, rõ ràng, chiến thắng của cô là điều đã được dự báo từ trước.
Quảng cáo quá "thô"
Không chỉ gây thất vọng về "luật chơi", The Face còn làm khán giả "chướng tai gai mắt" bởi sự can thiệp thô bạo của nhà tài trợ. Còn nhớ trong đêm Chung kết The Face 2016, thử thách đầu tiên mà các thí sinh phải trải qua là "chụp ảnh tự sướng" - selfie cùng một vị khách mời bằng chiếc điện thoại của nhà tài trợ, và theo chủ đề mà nhãn hàng đưa ra.
Thử thách này sẽ không có vấn đề gì nếu như nhãn hàng tài trợ cho The Face không can thiệp quá sâu vào chương trình. Cụ thể, nhãn hàng này không những đã đưa dòng sản phẩm của mình trở thành đạo cụ cho phần thi mở màn của đêm chung kết, mà tên sản phẩm, tên nhãn hàng và thậm chí là tính năng nổi trội của sản phẩm đều được MC "nhai đi nhai lại" sau từng phần thi của mỗi thí sinh, chẳng khác gì một cuộn băng ghi âm được bật chức năng repeat. Và tất nhiên, đêm Chung kết The Face 2017, người trong cuộc chỉ cần diễn lại kịch bản này là... xong!
Có thể nói, sự can thiệp quá "thô" của các nhãn hàng vào kịch bản chương trình đã khiến không ít khán giả "cáu" vì phải xem những màn quảng cáo bất đắc dĩ thay vì được thưởng thức phần thi của thí sinh một cách "vô tư", "đúng luật".
Với thực trạng này, nếu The Face muốn có mùa 3, có lẽ người trong cuộc phải thay đổi tư duy sản xuất chương trình. Giữa sự cạnh tranh gay gắt từ những chương trình khác, đặc biệt là Vietnam"s Next Top Model, The Face cần phải đổi mới và cập nhật xu hướng nhiều hơn nữa. Bớt đi những tình tiết sến sẩm, sự can thiệp thô bạo của nhà tài trợ, thay vào đó, hãy quan tâm đến sự cao trào, kịch tính, đồng thời mời vào ghế nóng loạt nghệ sĩ thực sự có đủ năng lực lẫn sức hút với truyền thông, và trao cho họ quyền lực nhất định, có như thế, The Face mới có cơ hội đi tiếp.