Theo BHXH Việt Nam, đến thời điểm này, dự thảo về thẻ BHYT điện tử đã được hoàn thiện. Nội dung thông tin ghi trên thẻ BHYT điện tử là những nội dung tĩnh, hầu như không thay đổi, trừ trường hợp họ, tên của người tham gia có sự thay đổi qua bộ phận tư pháp đã đồng ý thay đổi thì mới được chấp thuận.
Các nội dung cơ bản gồm: mã số, họ và tên, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm cấp thẻ BHYT điện tử. Còn một số nội dung khác sẽ được quản lý trên phần mềm nghiệp vụ, ví dụ như việc quản lý thông tin giới tính, nơi cư trú, cơ sở khám chữa bệnh và một số thông tin khác.
Ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng GĐ BHXH Việt Nam, cho biết thông tin còn nhiều ý kiến khác nhau trên thẻ BHYT điện tử là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và hạn sử dụng của thẻ. Khi quản lý theo dữ liệu thì các thông tin này rất “động”, ví dụ như thời gian đóng là “động” nếu in cố định vào thẻ thì nhiều khi thông tin trên thẻ và thông tin trên dữ liệu không chuẩn xác; nơi khám chữa bệnh ban đầu cũng tương tự như vậy. “Các nội dung này cần đặc biệt quan tâm khi chúng ta thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh trong toàn tỉnh từ 2021. Các nội dung này chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng để xem xét quyết định” – ông Ánh nói.
Khi chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và đặc biệt là người tham gia BHYT.
Đối với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người đi KCB phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT. Đồng thời, rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thủ công.
Bên cạnh đó, thông tin về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành. Ngoài ra, việc cấp thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hàng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm.
Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử (trong chíp) được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh. Thẻ điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất để tránh trường hợp đi KCB và lấy thuốc không theo đợt điều trị.
Còn lợi ích đối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Quan trọng nhất là người tham gia khi đi KCB không cần mang giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt..., giúp thuận tiện và giảm phiền hà.