Thầy thuốc và những câu chuyện về nghề

GD&TĐ - Năm nay, đội ngũ nhân viên y tế đón ngày lễ của riêng mình trong trạng thái vui ít buồn nhiều. Vui vì họ làm nghề được người dân tin tưởng, giao phó tính mạng, sức khỏe của mình cho bác sĩ. Nhưng cũng buồn vì môi trường y tế đang trở thành nỗi bất an với họ. 

Thầy thuốc và những câu chuyện về nghề

Tình trạng bạo hành nhân viên y tế xảy ra nhiều đến mức, bác sĩ, điều dưỡng buộc phải quen với cảnh vừa làm vừa run bởi họ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì.

Đổ máu vì nghề, vì người

Những ngày đầu xuân, đội ngũ nhân viên y tế lại nhận tin buồn bởi đồng nghiệp của họ trở thành bệnh nhân của mình. Nguyên nhân không liên quan đến bệnh tật, mà do bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi họ đang thực thi công việc của mình.

Báo cáo của Sở Y tế Yên Bái cho thấy, trong khi nhân viên y tế (Bệnh viện Sản nhi Yên Bái) đang thực hiện phẫu thuật bắt con cho sản phụ thì người nhà trèo lên lan can cửa sổ để chụp ảnh, ghi hình. Kíp mổ phát hiện, yêu cầu người nhà bệnh nhân rời khỏi khu vực phẫu thuật nhưng họ lăng mạ và dọa mổ xong sẽ “xử lý bác sĩ”.

Dù bị đe dọa nhưng kíp mổ vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình. Sau 40 phút, ca mổ hoàn tất. Sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định. Khi bệnh nhân được đưa về phòng hậu phẫu và bác sĩ bắt đầu rời phòng phẫu thuật, hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung liền bị chồng sản phụ và 15 người khác lao đến tấn công với nhiều loại hung khí trên tay. Hai bác sĩ gục xuống với nhiều vết thương trên người. Không dừng lại, họ tiếp tục đánh đuổi bảo vệ khi được can ngăn.

Máu nhuộm đỏ chiếc blouse trắng, hai bác sĩ thay vì thực hiện nhiệm vụ cứu người nay trở thành bệnh nhân, được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Ngay sau khi có thông tin, đại diện Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê có công văn yêu cầu bệnh viện, Sở Y tế Yên Bái tích cực điều trị cho bác sĩ đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Công an tỉnh điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm với người hành hung nhân viên y tế.

Đến nay, cho dù các vết thương đã liền da nhưng chắc chắn nỗi sợ vẫn còn. Khi bác sĩ thường xuyên làm việc trong trạng thái căng thẳng bởi sợ bệnh nhân, sợ người nhà bệnh nhân chửi bới, dọa nạt, hành hung, chắc chắn chất lượng công việc sẽ không tốt. Đường mổ của họ cũng không thể chính xác khi bàn tay run rẩy vì sợ hãi. Người bị ảnh hưởng nhất lúc này chính là người đang cần điều trị.

Gỡ nút thắt

Bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà hành hung xảy ra nhiều đến mức Bộ Y tế coi đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2017. Bộ cũng đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp bảo vệ nhân viên của mình nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, rất ít đối tượng hành động khi có chất kích thích trong người hay có tiền sử bạo lực, phần lớn đều bình thường, thậm chí có địa vị trong xã hội. Vậy lý do gì dẫn đến hành động trên, chia sẻ trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho rằng đó là sự sụp đổ của một mối quan hệ, là hệ quả của sự rối loạn trong quản lý xã hội cũng như y tế hiện nay.

Cũng theo bác sĩ Phúc, để giải quyết tình trạng trên cần gỡ nút thắt. Trước hết là việc đào tạo nhân lực y tế. Bác sĩ, điều dưỡng ngoài giỏi về y thuật cũng cần có kỹ năng ứng xử để người dân dù ở tuyến dưới hay tuyến cuối đều có thể tin tưởng vào tay nghề, cảm nhận được sự thấu hiểu từ nhân viên y tế. Tiếp đến phải đầu tư cơ sở vật chất để giảm tải cho bệnh viện và bác sĩ. Quá tải tại các bệnh viện hiện nay góp phần vào việc khiến cả bác sĩ, người bệnh căng thẳng, dễ dẫn đến xung đột. Giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với người bệnh, chắc chắn tình trạng bạo hành trong cơ sở y tế sẽ giảm đáng kể.

Bệnh nhân, người nhà hành hung nhân viên y tế ngay tại bệnh viện đang trở thành hiện tượng phổ biến. Thống kê sơ bộ của ngành y tế, các vụ việc trên chủ yếu xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh (60%) và 20% tại bệnh viện tuyến Trung ương. Đối tượng bị tấn công phần lớn là bác sĩ,tiếp đó đến điều dưỡng. Điều đáng buồn là nhân viên y tế bị tấn công khi họ đang thực thi công việc của mình. Theo báo cáo của các bệnh viện, có tới 60% vụ hành hung xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu hoặc chăm sóc người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.