Ngồi ghế đá là gặp được hiệu trưởng
Tại Trường THPT Võ Thị Sáu (TPHCM), để gặp thầy Hiệu trưởng Trịnh Hoàng Quân, học sinh không cần gõ cửa phòng mà chỉ cần ngồi ghế đá trước cửa phòng hiệu trưởng. Đây là nơi thầy thường ngồi mỗi ngày, dễ dàng quan sát toàn cảnh sân trường và gần gũi với học sinh.
Bất kể vấn đề gì, từ cơ sở vật chất lớp học, chuyện tuổi mới lớn, mâu thuẫn bạn bè, đến việc nhờ thầy giải bài tập, học sinh đều mang đến hỏi và được thầy hiệu trưởng kiên nhẫn lắng nghe, giải đáp. Có khi chưa hài lòng với câu trả lời trực tiếp, học sinh còn nhắn tin để thầy tư vấn thêm.
Nhắc đến thầy Hiệu trưởng, Quang Huy, học sinh lớp 12 của trường, chia sẻ, thầy Quân rất gần gũi. Có những giờ ra chơi, em và các bạn mang sách ra ghế đá ngồi học bài, gần chỗ thầy thường ngồi. Thấy học trò, thầy giải bài cùng, rồi hỏi han về tình hình học tập của Huy và cả lớp.
"Nhờ sự gần gũi của thầy, chúng em không ngại đề xuất các vấn đề trong lớp, trong trường. Khi quạt lớp học chạy yếu, cửa phòng hư chốt, nhà vệ sinh có mùi, hay khi muốn có thêm sân chơi thể thao, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, chúng em không phải chờ đến buổi đối thoại với ban giám hiệu mà có thể được giải quyết ngay khi trao đổi với thầy", Quang Huy kể lại.
Theo Quang Huy, mọi ý kiến, đề xuất của học sinh đều được thầy hiệu trưởng lắng nghe. Những vấn đề có thể giải quyết, thầy xử lý ngay; những vấn đề chưa thực hiện được, thầy giải thích rõ ràng để học sinh hiểu. Điều này tạo nên một môi trường học đường thân thiện, vui vẻ.

Thời gian qua, trong các hoạt động phong trào, sân chơi của học sinh đều có sự tham gia của Hiệu trưởng Trịnh Hoàng Quân.
Ông không ngại xắn tay áo làm bánh, làm giỏ hoa cùng học sinh nhân ngày 8/3; hát, nhảy, “quẩy” cùng các em trong lễ ra trường; hay đưa học sinh đi tham quan.
Những học sinh xuất sắc, có nỗ lực trong học tập còn được thưởng chuyến về nguồn hoặc đơn giản là ly trà sữa. Các chương trình, hoạt động của trường được thiết kế để đáp ứng nguyện vọng học sinh, giúp các em phát triển tối đa năng lực, sở trường và thế mạnh trong học tập, rèn luyện tại trường.
Ông chia sẻ quan điểm: “Ở lứa tuổi học sinh THPT, các em luôn muốn được lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Vì vậy, để ‘làm bạn’ với học sinh, trước tiên cần lắng nghe và tôn trọng các em. Khi cảm nhận được sự tôn trọng, học sinh sẽ thẳng thắn, tin tưởng chia sẻ những vấn đề của mình”.
Nỗ lực xây dựng "trường học hạnh phúc"
Với Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, “trái ngọt” mà Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên và học sinh dày công vun đắp suốt thời gian qua chính là xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.
Theo ông, một môi trường như vậy không chỉ giúp thầy cô và học sinh tổ chức dạy học sáng tạo, năng suất hơn mà còn tạo nên sự gắn kết đặc biệt trong nhà trường.
Xây dựng môi trường học tập hạnh phúc là một hành trình thay đổi toàn diện, từ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh đến học sinh. Với vai trò “thuyền trưởng”, ông luôn trăn trở tìm ra hướng đi riêng cho ngôi trường mình công tác.
Thầy Hiệu trưởng lan tỏa đến đồng nghiệp thông điệp: “Chúng ta không thể đạt được kết quả mới nếu cứ giữ cách làm cũ. Nếu không tạo ra sự khác biệt, chúng ta khó có thể thu hút học sinh, bởi ngày nay phụ huynh rất sáng suốt, họ sẽ chọn những ngôi trường tốt nhất cho con em mình”.
Thầy Huỳnh Văn Hoài, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu chia sẻ: “Thầy Trịnh Hoàng Quân là một Hiệu trưởng năng động và nhiệt huyết. Thầy luôn định hướng đổi mới sáng tạo các hoạt động giáo dục nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, thầy Quân đặc biệt chú trọng các hoạt động phong trào, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, ngoại khóa,… nhằm giúp học sinh có sân chơi lành mạnh, bổ ích, thể hiện bản thân, phát huy năng khiếu, rèn luyện kỹ năng, vui chơi và thư giãn. Cùng với đó, thầy luôn quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, phát huy sở trường của thầy cô giáo; tạo khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể sư phạm nhà trường; gần gũi, thân thiện, là điểm tựa vững chắc để trao niềm tin”.

Theo thầy Quân, "trường học hạnh phúc" không cần những điều to tát, mà đôi khi bắt đầu từ những điều giản đơn như lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu học sinh, làm bạn cùng các em. Sự gần gũi của người cán bộ quản lý giúp học sinh cảm thấy tin tưởng để chia sẻ, đóng góp ý kiến xây dựng nhà trường.
"Tôi luôn mong mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc, vui vẻ với học sinh. Ở trường, thầy cô không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng, bài học mà còn là những người bạn lớn, người anh, người chị để các em tin cậy, thoải mái chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hay những vấn đề đang gặp phải, từ đó nhà trường kịp thời hỗ trợ các em",