Chủ động đổi mới
Sinh năm 1981, tính đến nay thầy Đức đã có 13 năm đứng trên bục giảng. Được Sở GD&ĐT Gia Lai công nhận là điển hình tiên tiến, thầy Đức tâm sự: “Đây không chỉ là niềm vui mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tôi. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn để ngày càng xứng đáng với danh hiệu này. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, cần cố gắng nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa và sáng tạo nhiều để mỗi tiết học sẽ mang đến cho các em học sinh những điều mới lạ”.
Theo thầy Đức, để học sinh hứng thú và yêu thích môn Địa lý đòi hỏi người thầy phải có phương pháp hay, kiến thức sâu rộng để truyền đạt cho các em. Song trên hết là cần có sự quan tâm động viên, chia sẻ với học sinh. Thầy Đức tâm niệm, ở lứa tuổi học sinh THPT, người thầy không chỉ dạy học trên bục giảng mà còn dạy dỗ các em trong cuộc sống để các em có thêm kỹ năng trước khi sống tự lập.
Thầy Đức chia sẻ, để mỗi tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh, thầy luôn tìm tòi các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp theo hướng phát huy năng lực của học sinh. Qua đó tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm sáng tạo, được trao đổi làm việc nhóm và chủ động lĩnh hội kiến thức. “Chẳng hạn khi dạy về điều kiện tự nhiên sông, ngòi, giáo viên có thể “khởi động” bằng một bài thơ hay một bài hát có liên quan đến sông. Qua đó, tiết học sẽ trở nên hấp dẫn, nhẹ nhàng và học sinh sẽ hứng thú “nhập môn” hơn” – thầy Đức trao đổi.
Cũng theo thầy Đức, giáo viên cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học sẵn có và tự làm. Chẳng hạn: Giáo viên có thể thiết kế các clip để trình chiếu cho học sinh, để các em có cái nhìn trực quan và tiếp nhận kiến thức của bài học hiệu quả hơn.
Dạy học thông qua trò chơi Atlat
Được biết, thầy Đức cũng là một trong những giáo viên tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó nhiều sáng kiến đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tế mang hiệu quả cao trong công việc. Tiêu biểu là đề tài: “Hướng dẫn ôn tập và tổ chức trò chơi với Atlat địa lý Việt Nam”.
Nói về đề tài này, thầy Đức chia sẻ: Atlat ngoài việc sử dụng trong học tập ở trên lớp, học ở nhà, sử dụng trong kiểm tra đánh giá, nó còn được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng Atlat của học sinh vẫn còn rất ít. Nguyên nhân là do thói quen dạy “chay” của nhiều giáo viên. Ngoài ra, một số giáo viên chưa chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh khai thác Atlat nên chưa tạo hứng thú học tập cho các em.
“Với mong muốn tạo hứng thú học tập cho học sinh với Atlat và để nâng cao hiệu quả dạy học. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi đã thực hiện sáng kiến kinh nghiệm: Hướng dẫn ôn tập và tổ chức trò chơi với Atlat địa lý Việt Nam” – thầy Đức cho biết, đồng thời chia sẻ: Trong sáng kiến kinh nghiệm này, phần ôn tập kiến thức thầy đưa ra các câu hỏi ôn tập ở các mức độ khác nhau, học sinh dựa vào bản đồ trong Atlat để trả lời câu hỏi. Việc này rất quan trọng vì sau này các em cũng sẽ sử dụng Atlat để làm bài kiểm tra, trả lời bài cũ… Riêng phần trò chơi với mỗi trang Atlat, thầy thiết kế các trò chơi khác nhau, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào Atlat để chơi, việc thi đua giữa các nhóm sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các em thi đua học tập.
Không chỉ là một giáo viên năng nổ, nhiệt huyết và có chuyên môn tốt, thầy Tô Ngọc Đức còn nhận đỡ đầu 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về việc này, thầy Đức cho biết: “Ở trường có phát động phong trào mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu 1 đến 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng phong trào này, tôi đã nhận đỡ đầu 1 em học sinh lớp 10. Đây là học sinh hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, nhà đông anh em, bố mẹ làm nông – lâm nghiệp và phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống và có tiền nuôi con ăn học. Tôi muốn giúp đỡ, động viên để em đó có thêm động lực và niềm tin vững bước đến trường, thực hiện ước mơ học tập của mình”.