Thầy giáo lập quỹ sinh kế tiếp sức trò nghèo

GD&TĐ - Thầy Vũ Văn Tùng muốn đưa ra các kế hoạch dài hạn để cải thiện được cuộc sống người dân, học sinh duy trì việc đến lớp...

Thầy Tùng đang hướng dẫn học trò học. Ảnh NVCC
Thầy Tùng đang hướng dẫn học trò học. Ảnh NVCC

Năm 2021, khi đang viết dở đơn xin chuyển công tác thì học trò nhìn thấy, chúng òa lên, vây quanh thầy Vũ Văn Tùng khóc và nghẹn ngào kêu lên “thầy ơi đừng bỏ chúng em!”. Chính tình cảm đó đã khiến thầy Tùng cất lá đơn viết dở vào ngăn kéo bàn, quyết định ở lại gắn bó lâu dài với học trò vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Vươn lên từ gian khó

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng thanh niên Vũ Văn Tùng sinh năm 1980, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã có ước mơ trở thành một thầy giáo dạy môn Lịch sử. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, năm 1999 sau khi tốt nghiệp THPT, Tùng đã tạm gác ước mơ tới giảng đường, đi làm thuê dành dụm tiền chuẩn bị cho hành trình chinh phục ước mơ của mình.

Chàng trai gốc xứ Nghệ trải lòng: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi theo gia đình rời xa quê hương vào vùng kinh tế mới của tỉnh Đắk Lắk sinh sống. Chính cuộc sống lăn lộn, mưu sinh vất vả đã thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi học hành. Thế nhưng, gia đình khó khăn quá, bố mẹ không thể gồng gánh nổi nếu cả ba đứa con đều học đại học. Vì vậy tốt nghiệp THPT, tôi quyết đi làm thêm để tích tiền, hai năm sau mới dám thi đại học”.

Nhìn thấy một số người đi làm rồi thường khó quay trở lại ôn thi, thầy Tùng cũng lo lắng mình sẽ rơi vào trường hợp đó. Tuy nhiên, sau những ngày làm thuê vất vả chàng thanh niên trẻ càng hiểu và nuôi ý chí phải đến giảng đường. Quyết tâm nung nấu nên trong khi đi làm, Tùng luôn tranh thủ thời gian rảnh để ôn bài. Tại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2001, chàng trai 20 tuổi Vũ Văn Tùng thi đậu vào chuyên ngành Tổng hợp, khoa Lịch sử, Trường ĐH Đà Lạt.

“Cầm trên tay giấy báo kết quả đậu đại học, tôi tưởng mình đang mơ, nước mắt hạnh phúc giàn giụa. Tôi hiểu đây là một bước ngoặt mới để thay đổi cuộc đời mình”, thầy Tùng chia sẻ.

Năm 2005 tốt nghiệp đại học, thầy Tùng học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cùng với nhiều kinh nghiệm đã tích lũy được bởi đã trải qua nhiều công việc làm. Có bằng cấp, năm 2007, thầy xin vào giảng dạy tại Trường THCS Cù Chính Lan (xã Ia KDăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) rồi 6 năm sau thầy chuyển về công tác tại Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).

Thầy Tùng trao bò cái cho người dân từ quỹ sinh kế. Ảnh: NVCC

Thầy Tùng trao bò cái cho người dân từ quỹ sinh kế. Ảnh: NVCC

Giúp học trò tìm chữ, giúp dân giảm nghèo

Năm 2015, Gia Lai quyết định xây dựng trường liên cấp TH & THCS Đinh Núp tại xã Pờ Tó. Trường mới, thiếu giáo viên thầy Tùng đã xung phong về đây làm việc. Những ngày đầu lạ đất lạ người, thầy Tùng không chỉ làm chuyên môn mà cuối tuần còn cùng đồng nghiệp xây dựng, chỉnh trang cho hoàn thiện khuôn viên sân vườn trường, buổi tối lại lặn lội đi vận động học sinh đến trường.

Thầy Tùng tâm sự: “Những năm đó, học sinh trong buôn làng đi học rất ít, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều ngày liền, tôi phải vào rừng, lên tận rẫy vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đi học.

Thậm chí để phụ huynh đồng ý, tôi đã ở lại làm nương rẫy, gần gũi với họ, giải thích lợi ích của việc học tập. Tôi gợi cho họ suy nghĩ và tìm câu trả lời: Khi biết chữ cuộc sống các em sẽ thay đổi như thế nào? Làm kinh tế ra sao cho có hiệu quả? Bên cạnh đó, tôi đi xin từng chiếc áo, bút, sách vở, hỗ trợ ăn uống cho học trò để phụ huynh yên tâm gửi con đến trường”.

Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó bởi học sinh không chuyên cần, tình trạng các em bỏ về giữa buổi không quay trở lại ngày một nhiều. Suy nghĩ trở trăn, thầy Tùng cố tìm hiểu và phát hiện ra nguyên nhân học sinh bỏ về vì đói. Các em thường không được ăn sáng trước khi đến trường nên giữa buổi trốn về nhà kiếm đồ ăn. Đến khi đã ấm bụng, các em không dám quay trở lại lớp vì sợ thầy cô mắng, có em lại theo bố mẹ lên nương.

Không thể để học trò mang bụng đói đến trường, năm 2021 thầy Tùng nảy ra sáng kiến thực hiện “tủ bánh mì 0 đồng” nhằm hỗ trợ bữa ăn sáng cho học trò. Ban đầu mới hoạt động, tủ bánh chỉ hỗ trợ được 1 buổi/tuần với 60 ổ bánh mì. Tuy nhiên, sau một tháng, chương trình hỗ trợ hơn 200 em học sinh và tăng lên 3 buổi/tuần.

Song song với tủ bánh mì 0 đồng, thầy Tùng thực hiện mô hình quỹ sinh kế trao bò hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bền vững cho gia đình học sinh. Mô hình quỹ sinh kế hướng tới các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi để các em được đi học. Đến nay đã có 12 gia đình học sinh khó khăn được hỗ trợ trao 9 con bò và 7 con dê để chăn nuôi.

Thầy Tùng chia sẻ: “Quỹ sinh kế bên cạnh giải quyết khó khăn trước mắt, tôi muốn đưa ra các kế hoạch dài hạn để cải thiện được cuộc sống người dân, học sinh duy trì việc đến lớp và có điều kiện học tập tốt hơn. Từ ngày được hỗ trợ, phụ huynh phấn khởi, học trò đi học đầy đủ hơn”.

Gắn bó với người đồng nghiệp luôn biết sống vì người khác, thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường TH & THCS Đinh Núp chia sẻ cảm nhận: “Thầy Tùng là một người nhiệt huyết, đi đầu trong các phong trào giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ người dân nơi đây nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống cũng như tiếp sức cho học trò theo đuổi con chữ, hiện thực hóa ước mơ, thay đổi tương lai, cuộc sống sau này”.

Là một trong những học sinh được thầy Tùng giúp đỡ, dìu dắt, khích lệ nuôi giấc mơ học đại học, Trương Thị Thuý Vân, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chia sẻ: “Nếu không có thầy, chắc em và nhiều bạn chẳng bao giờ dám mơ bước chân vào giảng đường đại học. Thầy là người truyền động lực vượt khó và luôn tiếp thêm năng lượng để chúng em sống có nghị lực, có ý chí vượt khó vươn lên”.

“Quỹ sinh kế là ý tưởng cung cấp vật nuôi (bò, dê) để chúng sinh sản hỗ trợ cải thiện kinh tế gia đình. Mục đích của quỹ là giúp gia đình học sinh tạo được nguồn vốn góp phần xóa đói giảm nghèo và điều quan trọng nhất đó là cách hỗ trợ gián tiếp giúp các em an tâm đến trường”, thầy Vũ Văn Tùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.