Thầy giáo khởi xướng phong trào "ba sẵn sàng" là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018

GD&TĐ - Ngày 19/9, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2018 cho 10 cá nhân, trong đó có thầy giáo Trịnh Ngọc Trình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi (HEDO).

Ở tuổi 84 ông Trịnh Ngọc Trình vẫn hàng ngày làm việc và nghiên cứu
Ở tuổi 84 ông Trịnh Ngọc Trình vẫn hàng ngày làm việc và nghiên cứu

Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình là người có nhiều tên gọi thân mật như: "ông già của người nghèo", "anh thương binh", là "thầy giáo một tay", "anh ba sẵn sàng", "Em Ngọc", nhưng ông bảo, ông vẫn thích được gọi là thầy giáo.

Vì từ thời trẻ là một thầy giáo dạy chữ cho đến hôm nay là Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi - HEDO, cuộc đời ông luôn là chặng đường không ngừng đem cái chữ đến những vùng cao heo hút, nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn.

Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 11 tuổi, bị thương và mất một tay trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình (câu truyện "Em Ngọc" viết về ông đã được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5", trở thành tài liệu học tập trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam).

Năm 1952, ông được cử đi học và trở về làm giáo viên giảng dạy nhiều năm ở Tây Bắc. Năm 1960, ông về trường ĐHSP Hà Nội học tập rồi trở thành giảng viên và Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội.

Năm 1964, ông cùng tập thể BCH đoàn trường khởi xướng và phát động phong trào “Tam bất kì” ở các chi đoàn của trường ĐHSP Hà Nội sau đó được Thành đoàn Hà Nội đổi tên thành phong trào“ Ba sẵn sàng”.

Phong trào thi đua đã được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng, phát động và nhanh chóng trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ. Đã có hàng vạn sinh viên, thanh niên Hà Nội chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc…

Năm 1965, ông chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đến năm 1975 chuyển về ĐHSP Hà Nội là Trưởng phòng Công tác Chính trị.

Ông đã đề xuất thành lập bộ môn “Giáo dục thời sự chính sách”; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và là giảng viên chính giảng dạy cho sinh viên năm thứ 4 để kịp thời thông tin những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ Hà Nội nhằm giáo dục, uốn nắn những lệch lạc, biểu dương người tốt, việc tốt trong thanh niên, học sinh sinh viên.

Tháng 3/1990, ông được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO).

Ông đã cùng Trung tâm vận động và thực hiện thành công hơn 200 chương trình, dự án phục vụ đồng bào ở những vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 43 tỉnh thành.

Đến nay, mặc dù đã 84 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia cộng tác với Trung tâm trong các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục tại các tỉnh miền núi trên khắp cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.