Thầy giáo dùng kiến thức Hóa học giải thích thực tiễn cho học sinh

Thầy giáo dùng kiến thức Hóa học giải thích thực tiễn cho học sinh

Nước Javen tẩy màu và diệt khuẩn như thế nào?

Hằng ngày, tại sao chúng ta thường mua thuốc tẩy về tẩy các vết bẩn ở quần áo? Vào các bệnh viện thấy mùi thuốc tẩy là vì sao? Khi bị dịch bệnh người ta thường clorua vôi để tẩy trùng là vì sao?

Nước Javen chứa NaClo, trong điều kiện thường không khí có khí CO2 nên có phản ứng với NaClO trong nước javen tạo ra HClO.

NaClO + CO2+ H2O  NaHCO3 + HClO

HClO có tính oxi hóa mạnh, sẽ tẩy mầu và diệt khuẩn.

Clorua vôi chứa CaOCl2, trong điều kiện thường không khí có khí CO2 nên có phản ứng với clorua vôi tạo ra HClO.

PTPƯ: 2CaOCl2 + CO2+ H2O  CaCO3+ CaCl2 + 2HClO

HClO có tính oxi hóa mạnh, sẽ tẩy mầu và diệt khuẩn.

Phân biệt muối ăn và muối IOT

Để khắc phục sự thiếu hụt iot, người ta phải cho thêm hợp chất của iot vào thực phẩm như: muối ăn, bột canh, nước mắm, sữa kẹo… Muối iot là muối ăn có trộn thêm một lượng nhỏ hợp chất của iot (thường là KI, KIO3).

Để phân biệt muối ăn và muối iot, người tiêu dùng có thể dùng cách đơn giản sau: vắt nước chanh vào muối, sau đó thêm vào một ít nước cơm. Nếu thấy màu xanh đậm xuất hiện chứng tỏ muối đó là muối iot. 

Nước chanh có môi trường axit. Trong môi trường axit, I3- không bền bị phân hủy một phần thành I2. I2 mới tạo thành tác dụng với hồ tinh bột có trong nước cơm tạo thành phức chất có màu xanh đậm.

Giàn mưa

Ở những nhà máy, hoặc trong gia đình nếu dùng nước giếng khoan lấy nguồn là nước ngầm và những vùng chưa có điều kiện dùng nước máy, tại sao người dân phải tạo dàn mưa? Vậy phương pháp xử lý sắt của giàn mưa hoạt động ra sao?

Do ảnh hưởng của điều kiện địa tầng, thời tiết, nắng mưa và các quá trình phong hóa, sinh hóa trong khu vực nên thành phần đáng quan trọng trong xử lý nước ngầm là các tạp chất hòa tan (chủ yếu là các ion sắt hoặc ion mangan).

Nước có hàm lượng sắt cao, làm cho nước có mùi tanh và có màu vàng, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nước ăn uống sinh hoạt và sản xuất. Do đó, khi nước có hàm lượng sắt cao hơn giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn thì chúng ta phải tiến hành khử sắt.

Tùy theo mục đích sử dụng hoặc tùy theo chất lượng nguồn nước mà người ta thiết kế sử dụng giàn mưa để lọc sắt và mangan. Trong nước ngầm, sắt thường tồn tại ở dạng ion sắt Fe2+, là thành phần của các muối hoà tan như: Fe(HCO3)2; FeSO4…

Hàm lượng sắt có trong các nguồn nước ngầm thường cao và phân bố không đồng đều trong các lớp trầm tích dưới đất sâu. Nguyên lý của phương pháp này là oxi hoá Fe2+ thành Fe3+ và tách chúng ra khỏi nước dưới dạng Fe(OH)3. Trong nước ngầm, Fe(HCO3)2 là một muối không bền, dễ thủy phân thành Fe(OH)2 theo phản ứng:

Fe(HCO3)2 + 2H2O → Fe(OH)2 + 2H2CO3.

Nếu trong nước có oxi hoà tan, sắt Fe(OH)2 sẽ bị oxi hoá thành Fe(OH)3 theo phản ứng:

4Fe(OH)2 + 2H2O + O2 → 4Fe(OH)3 ↓

(màu vàng và có mùi tanh)

Sắt (III) hyđroxit trong nước kết tủa thành bông cặn màu vàng và có thể tách ra khỏi nước một cách dễ dàng nhờ quá trình lắng lọc. Kết hợp các phản ứng trên ta có phản ứng chung của quá trình oxi hoá sắt như sau:

4Fe2+ + 8HCO3- + O2 + H2O → 4Fe(OH)3 + 8H+ + 8HCO3-

Nước ngầm thường không chứa oxi hoà tan hoặc có hàm lượng oxi hoà tan rất thấp. Để tăng nồng độ oxi hoà tan trong nước ngầm, biện pháp đơn giản nhất là làm thoáng.

Vì sao xuất hiện mưa axit

Mưa axit là gì? Nguyên nhân nào gây ra mưa axit? Tác hại của nó ra sao? Ở Việt Nam có mưa axit hay không?

Mưa axit được phát hiện ra đầu tiên năm 1948 tại Thuỵ Ðiển. Thuật ngữ “mưa axit” được đặt ra bởi Robert Angus Smith vào năm 1972. 

Nguyên nhân là vì con người đốt nhiều than đá, dầu mỏ. Trong than đá và dầu mỏ thường chứa một lượng lưu huỳnh, còn trong không khí lại rất nhiều khí nitơ. 

Trong quá trình đốt có thể sinh ra các khí SO2, NO2. Các khí này hoà tan với hơi nước trong không khí tạo thành các hạt axit sunfuric H2SO4, axit nitric HNO3

Khi trời mưa, các hạt axit này tan lẫn vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 được gọi là mưa axit. 

Do có độ chua khá lớn, nước mưa có thể hoà tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí như oxit chì,... làm cho nước mưa trở nên độc hơn đối với cây cối, vật nuôi và con người.

Mưa axit ảnh hưởng xấu tới các thủy vực như: ao, hồ... Các dòng chảy do mưa axit đổ vào ao, hồ sẽ làm độ pH giảm đi nhanh chóng, các sinh vật trong ao, hồ suy yếu hoặc chết hoàn toàn và ao, hồ trở thành các thủy vực chết.

Mưa axit ảnh hưởng xấu tới đất do nước mưa ngầm xuống đất làm tăng độ chua của đất, hoà tan các nguyên tố trong đất cần thiết cho cây như Ca, Mg,... làm suy thoái đất, cây cối kém phát triển. Lá cây gặp mưa axit sẽ bị "cháy" lấm chấm, mầm sẽ chết khô, làm cho khả năng quang hợp của cây giảm, cho năng suất thấp.

Mưa axit còn phá huỷ các vật liệu làm bằng kim loại như: sắt, đồng, kẽm,... làm giảm tuổi thọ các công trình xây dựng. Ở Việt Nam, mưa axit chiếm tới 30-50% số lần mưa. Những nơi có tần suất cao lên tới 50%, điển hình như: Việt Trì, Tây Ninh và Huế.

Tính riêng khu vực Hà Nội, tần suất xuất hiện mưa axit là 11%. Theo số liệu quan trắc, Hà Nội và TP.HCM có tần suất mưa axit thấp hơn các vùng khác.

Thầy Đặng Thanh Đạm là giáo viên giỏi, từng được nhận Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ