Thầy cô vùng lũ Thái Nguyên gấp rút thu dọn trường lớp sau lũ lớn

GD&TĐ - Sau khi đối diện với cơn lũ lớn lịch sử, thầy cô tại các nhà trường đang tích cực thu dọn, khắc phục mọi khó khăn sau thiên tai.

Đồng nghiệp, người dân hỗ trợ trường Tiểu học Quang Vinh (TP Thái Nguyên) dọn dẹp vệ sinh
Đồng nghiệp, người dân hỗ trợ trường Tiểu học Quang Vinh (TP Thái Nguyên) dọn dẹp vệ sinh

Cơn lũ lớn lịch sử

Lũ lớn sau siêu bão số 3 khiến nhiều địa bàn tại thành phố Thái Nguyên bị ảnh hưởng nặng. Trên toàn thành phố Thái Nguyên, ngành giáo dục chịu thiệt hại về cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học ước tính hơn 11,7 tỉ đồng.

Đã có 15 trường học các cấp của thành phố Thái Nguyên bị ngập nước. Các trường học ở khu vực ngập nghiêm trọng như phường Quang Vinh, Túc Duyên, Đồng Bẩm, Chùa Hang… bị ảnh hưởng nặng nề.

Trường Tiểu học Quang Vinh ngập sâu trong khoảng 1,5m nước, bùn đất tràn vào các phòng, hàng rào bao quanh bị đổ. Toàn bộ máy tính để bàn, máy in, bàn ghế, sách thư viện, đồ dùng dạy học, tủ lạnh lưu mẫu thực phẩm, thiết bị âm thanh đã hư hỏng.

TH Quang Vinh 2.jpg
Các lực lượng chức năng hỗ trợ trường Tiểu học Quang Vinh (TP Thái Nguyên) xử lí bùn đất sau lũ lớn

Đối với trường Mầm non Túc Duyên, nhiều tài sản quan trọng đã bị ngập nước, bùn đất nhấn chìm. “Cây lọc nước, tủ lạnh, tivi, máy tính, bơm nước, loa đài, tủ sấy bát, bàn ghế, chăn chiếu, đồ học, đồ chơi… đều bị hỏng, nhìn mọi thứ vô cùng xót xa” - cô giáo Đỗ Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Qua thông tin từ các thầy cô giáo cho thấy, rất nhiều gia đình học sinh cũng bị ảnh hưởng của nước lũ, khiến sách vở và đồ dùng học tập của các em bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo vệ sinh, tránh bệnh dịch do ô nhiễm môi trường sau lũ cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề với các nhà trường lúc này.

Ngành giáo dục và tinh thần chủ động

Trước những khó khăn chưa từng gặp, ngành giáo dục thành phố Thái Nguyên vẫn hết sức chủ động để khắc phục tình hình, từ việc ứng phó đến công tác khắc phục hậu quả.

Phòng Giáo dục & Đào tạo cập nhập thông tin liên tục, báo cáo và tham mưu cho UBND thành phố để chỉ đạo, chuẩn bị và triển khai các phương án khắc phục, đặc biệt là một số trường chịu ảnh hưởng nặng.

Với sự kết nối thông tin kịp thời từ nhà trường, nhiều lực lượng chức năng như công an thành phố, bộ đội các đơn vị trên địa bàn Quân khu I, công ty vệ sinh môi trường… đã đến hỗ trợ khối lượng công việc rất lớn sau mưa lũ.

MN Túc Duyên.jpg
Bộ đội cùng giáo viên trường Mầm non Túc Duyên (TP Thái Nguyên) vệ sinh bàn ghế, đồ dùng, lớp học

Cán bộ giáo viên các trường không bị ảnh hưởng, ít thiệt hại đã chủ động đến trực tiếp chung tay cùng các trường trong vùng ngập dọn dẹp bùn đất, vệ sinh lớp học, bàn ghế.

Ngành giáo dục thành phố đã làm thống kê chi tiết về thiệt hại của từng trường cụ thể, bám sát tình hình để có phương án khắc phục hợp lí. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ biết rõ trường nào cần gì để giúp đỡ thiết thực nhất.

“Nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ quý giá. Đã có một số cá nhân, đơn vị kết nối để hỗ trợ về sách vở, đồ dùng trang thiết bị, mong muốn giúp cô và trò nhà trường sớm được quay lại với lớp học” - cô giáo Hà Thị Quỳnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Vinh thông tin.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Ngô Thị Quyên, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Thái Nguyên cho biết: Bàn ghế, sách vở hư hỏng là một khó khăn lớn với nhiều trường. Bên cạnh đó, an toàn vệ sinh môi trường là vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết hiện nay.

“Tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên toàn ngành đã giúp cho công tác khắc phục hậu quả diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn; nhờ sự hỗ trợ của các cấp, lực lượng chức năng, đơn vị, cá nhân mà khó khăn, thiệt hại được giảm bớt” - bà Ngô Thị Quyên nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Thái Nguyên đang tập trung cao độ, phấn đấu toàn bộ 100% các trường đón học sinh trở lại từ ngày mai, 16/9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.