Nỗi niềm đoàn viên
Trong cái rét đậm những ngày cuối năm, không khí Tết vẫn rộn ràng trên khắp bản làng vùng cao Lai Châu. Đây cũng là lúc thầy, cô giáo miền xuôi lên Lai Châu công tác nao nao bàn chuyện về hay ở. Quãng đường xa, thời gian nghỉ Tết không nhiều khiến nỗi bận tâm của những người thầy xa quê nhân lên gấp bội. Thế nhưng mong muốn được trở về với gia đình, với họ hàng, làng xóm cũng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Dịch Covid-19 xuất hiện, ròng rã suốt 2 năm, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội dài ngày, cơ hội để về quê đón Tết của nhà giáo công tác xa quê không nhiều. Không ít thầy cô đã ngậm ngùi ở lại nơi công tác, cùng nhau đón Tết tại nhà công vụ, các điểm trường lẻ. Dù đầy đủ vật chất thì họ cũng lỡ hẹn đoàn viên, tiếc nuối bầu không khí ấm áp gia đình, người thân quây quần bên bữa cơm tất niên quê nhà. Những lời chúc mừng năm mới, sức khỏe, cuộc sống đến với bố mẹ, anh chị em và thậm chí vợ, chồng, con cái… phải truyền qua điện thoại.
Cô giáo Lò Thị Thủy, Trường PTDTBT THCS Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu), chia sẻ: “Tôi rất vui khi năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát. Năm trước, tôi cùng gia đình và các thầy, cô giáo phải ở lại trường đón Tết. Tôi chỉ có thể gọi điện về quê và báo bố mẹ hết dịch sẽ về. Năm nay, mong ước về quê đón Tết đã trở thành hiện thực. Cả gia đình sau quãng thời gian dài xa cách, không đón Tết truyền thống bên nhau sẽ cố gắng sắp xếp thời gian đoàn tụ”.
Giữa năm 2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, xã hội trở lại trong bình thường mới, các địa phương có phương án sống chung với dịch để phục hồi kinh tế… Chính vì vậy, Tết Nguyên đán Quý Mão 2022 cũng là dịp để giáo viên công tác xa nhà được trở về quê đón Tết truyền thống như vẫn làm lâu nay.
Đã nhiều năm liền không về quê vì nhiệm vụ và đường sá xa xôi, thầy Trần Nam Phong chỉ ăn Tết tại Ka Lăng. Được hỏi năm nay có về quê đón Tết không, thầy Phong cho biết đang cùng học sinh cố gắng hoàn thành sản phẩm để dự thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh vào đầu tháng 1/2023. Thầy trò đã đầu tư hết tâm sức, trí tuệ, do đó rất hy vọng các em đoạt giải cao trong kỳ thi lần này. “Khi cuộc thi xong xuôi, tôi sẽ dành thời gian nghỉ Tết còn lại để về quê đón Tết bên gia đình, người thân…”, thầy Phong khẳng định.
Thầy chia sẻ: “Mấy năm trước tôi đều ở lại trường đón Tết. Bà con Hà Nhì tại địa phương không ăn Tết Nguyên đán nên ở đây không khí bình lặng lắm. Thầy cô và người dân cũng tổ chức ăn Tết, chúc tụng nhau, nhưng điều chúng tôi - những người thầy xa quê luôn thiếu là hơi ấm đoàn viên, đoàn tụ. Đặc biệt trong dịp lễ Tết thì nỗi nhớ cha mẹ, người thân, quê hương càng trỗi dậy. Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ chẳng sai bao giờ…”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (Lai Châu) sẽ trở lại trường sớm để dọn dẹp, ổn định sĩ số học sinh… Ảnh: Hà Thuận |
Tết về... bù đắp cho con
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh từ vùng quê Vĩnh Phúc lên Mường Tè công tác đã 4 năm. Năm đầu tiên cô nhận công tác tại xã vùng biên Mù Cả và hiện nay đang dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè.
“Tôi lên đây chỉ có một mình, chồng con đều ở quê. Hai năm trước tôi đều phải đón Tết một mình trong căn nhà trọ. Đi ra đi vào mãi chẳng hết ngày, thỉnh thoảng nhớ con lại điện thoại về nhà hỏi han, xem hình ảnh... Năm ngoái dù đăng ký về quê đón Tết nhưng đường quá xa xôi, dịch bệnh bất ngờ khiến tôi không thể về nhà đón Tết…”, cô Thanh cho biết.
Nhớ lại cái Tết xa nhà, cô Thanh chia sẻ: “Mỗi lần gọi điện về nhà, các con đều nói: “Mẹ ơi, sao không về đưa con đi mua sắm, chơi Tết? Các bạn con đều được mẹ đưa đi mua cho quần áo mới…” mà tim thắt lại. Tôi chỉ biết cố gắng kìm nước mắt và hứa hẹn nhiều điều sẽ thực hiện khi kết thúc dịch bệnh. Sau đó, tìm mua hàng trên mạng để gửi về. Việc sắm Tết được thực hiện qua mạng…”.
Công tác xa nhà, cô Thanh và nhiều giáo viên khác mỗi năm chỉ có 2 dịp là Tết và hè để về quê. Vì thế, sau 2 năm lỡ hẹn vì dịch bệnh cô Thanh chỉ mong muốn thời gian nghỉ Tết dài thêm để bù đắp cho gia đình, người thân.
Cũng giống cô Thanh, năm trước cô Lò Thị Thủy không được về quê đón Tết và phải sắm Tết online cho gia đình nội, ngoại. “Tôi dành được ít tiền lương, dự định để về quê sắm Tết. Dù không có nhiều nhưng sẽ cố gắng sắm cho gia đình hai bên chút quà. Đó là tình cảm của tôi dành cho bố mẹ, anh em…”, cô Thủy chia sẻ.
Tết đến gần, cũng là lúc những giáo viên “một chốn, bốn quê” hướng về quê hương. Nhiều thầy cô đã sẵn sàng cho cái Tết đoàn viên sau 2 năm đại dịch. Thế nhưng có những thầy cô thêm một lần gác lại vì nhiệm vụ cùng trường lớp. Cô Hoàng Thị Oánh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu), cho biết: “Năm nay, tôi ăn Tết tại nơi công tác vì còn nhiệm vụ trực trường. Dù nhớ nhà nhưng trách nhiệm với trường lớp, học trò vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Về quê kịp hay không phải sau Tết mới tính tiếp…”.
“Những giáo viên vùng cao dù vui xuân nhưng vẫn không quên nhiệm vụ. Về quê đón Tết nhưng trong suy nghĩ vẫn hướng về học trò, việc duy trì sĩ số, bình ổn trường lớp sau Tết. Giáo viên vùng cao, công tác xa nhà thường để ra ít nhất 1 - 2 ngày di chuyển, trả phép sớm để dọn dẹp vệ sinh trường lớp, nắm bắt tình hình học trò. Thậm chí, những lúc cao điểm, mùa lễ hội giáo viên phải sớm lên phương án, đích thân đi vận động, “kéo” học trò trở lại học tập…”, cô Nguyễn Thị Thanh, Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè, chia sẻ.