Thất vọng bao trùm khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran

GD&TĐ - Trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh – các nước trong số 6 quốc gia tham gia thương lượng Thỏa thuận Iran năm 2015 (JCPOA) – đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tham gia hoặc thương lượng lại thỏa thuận này.

Thất vọng bao trùm khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran

Đức, Anh, Pháp cam kết duy trì thỏa thuận

Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực này dường như đã uổng phí, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Iran – bước đi đầu tiên trong việc rút khỏi JCPOA. Trong tuyên bố của mình, ông Trump gọi đó là một thỏa thuận “mục rữa và thối nát”, làm cho ông “cảm thấy ngượng ngùng” với tư cách “là một công dân”.

Các nguyên thủ quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự bất đồng với động thái này của ông Trump. Phản ứng với tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: “Pháp, Đức và Anh lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ trong việc rời bỏ JCPOA. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa”. Trước đó, ông Macron đã điện đàm với ông Trump và tỏ ra “rất thất vọng”. Ông Macron tuyên bố Pháp cam kết mở rộng một khuôn khổ với mục tiêu giữ ổn định ở khu vực này ở mức cao nhất có thể. “Chúng tôi sẽ cùng làm việc trên một khuôn khổ mở rộng hơn, bao gồm cả hoạt động hạt nhân, giai đoạn hậu 2025, các hoạt động đạn đạo, việc ổn định ở Trung Đông, đặc biệt là Syria, Yemen và Iraq”, ông cho biết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và ông Macron đã ban hành một tuyên bố chung sau một cuộc điện đàm tay ba. Ba quốc gia này cho biết sẽ “vẫn cam kết đảm bảo thỏa thuận được duy trì” và “đảm bảo điều này vẫn bao gồm cả việc đảm bảo lợi ích kinh tế liên tục cho người Iran có liên quan đến thỏa thuận”.

Kêu gọi Iran kiềm chế

Tuyên bố chung này cho biết Thỏa thuận Iran đã khiến thế giới “trở thành một nơi an toàn hơn” và kêu gọi Mỹ “tránh hành động cản trở việc thực hiện đầy đủ của tất cả các bên khác trong thỏa thuận này”. Các nhà lãnh đạo cũng đề nghị Iran “kiềm chế phản ứng đối với quyết định của Mỹ” và nhấn mạnh rằng Iran phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận đã ký.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người gần đây đã đến thăm Washington trong nỗ lực lần cuối để ngăn cản ông Trump rút khỏi thỏa thuận, cũng viết trên mạng Twitter rằng ông “tiếc sâu sắc về quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Anh vẫn cam kết mạnh mẽ với JCPOA và sẽ làm việc với các đối tác E3 cũng như các bên khác để duy trì thỏa thuận này. Chúng ta hãy chờ đợi thêm để biết chi tiết về kế hoạch của Mỹ”.

Nga bình thản, Iran điềm tĩnh

Nga không chỉ trích Mỹ mà chỉ nói đó là một “nỗi thất vọng”, tuy nhiên, hành động của ông Trump không phải là một cú sốc. “Chúng tôi thất vọng như trước đây từng thất vọng, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả”, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky phát biểu. Khi được hỏi về việc liệu Nga có kêu gọi một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về quyết định của Mỹ không, thì ông trả lời: “Mọi lựa chọn đều có thể”.

Tại Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phát biểu trên truyền hình trực tiếp rằng Mỹ đã thất bại trong việc duy trì các cam kết của nước này tại JCPOA. Ông Rouhani cũng nói rằng thỏa thuận này không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Iran, mà là một thỏa thuận quốc tế đa phương, có sự xác nhận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Rouhani cho biết, Iran sẽ mất vài tuần để quyết định cách phản ứng với việc Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời cũng cho biết đã lệnh cho “tổ chức công nghiệp nguyên tử” của Iran chuẩn bị để “bắt đầu công nghiệp làm giàu (phóng xạ) một cách không hạn chế”. Ông cũng nói rằng Iran sẽ tuân thủ các cam kết của mình sau khi tham vấn các bên tham gia ký kết JCPOA.

Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel hoàn toàn ủng hộ sự rút lui của nước Mỹ khỏi JCPOA. Ông viết trên

Twitter: “Cảm ơn Tổng thống Trump vì quyết định táo bạo của mình và cam kết của ông trong việc ngăn chặn để Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ